Thủ tướng: Cố gắng ở mức cao nhất nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 2020

10:27' - 02/06/2020
BNEWS Sáng 2/6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đã 48 ngày qua, trên địa bàn cả nước không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Phần lớn các ca mắc COVID-19 đều đã ra viện. Liên tục các cơ quan báo chí, thông tấn lớn trên thế giới đã nhiều lần đưa tin, đánh giá cao thành tựu phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam.

Trên mặt trận phát triển kinh tế, xã hội, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch nhà nước năm 2020 như: Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu….Trong tháng 5, việc khôi phục thị trường du lịch nội địa đang cho thấy một “sức sống mạnh mẽ”. Các trung tâm du lịch lớn, khách du lịch tới đông đảo. Hàng không và du lịch, những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất đã bắt đầu hoạt động trở lại nhộn nhịp.
Trên phương diện vĩ mô, Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thực hiện “lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế”. Nhờ đó, các chỉ tiêu tháng 5 tốt hơn hẳn so với tháng 4.
“Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức; đổi mới sáng tạo trong điều hành, không cắt đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư ngay từ trong nước”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội quan trọng để vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức; tận dụng tốt “thời cơ vàng” để phát triển đi đôi với kiểm soát tốt dịch bệnh. Bên cạnh đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; lạm phát giảm, đời sống người dân được cải thiện.
Thủ tướng nêu rõ, tại phiên họp này, Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề liên quan đến kinh tế xã hội và xây dựng thể chế pháp luật; đặc biệt là cần đánh giá những nguy cơ thách thức phải vượt qua trong thời gian tới như: Thời tiết, hạn hán, khí hậu nóng bức…; ngoài ra là việc các đối tác quan trọng chưa phục hồi lại bình thường do dịch bệnh vẫn diễn ra hết sức gay gắt; chưa thể kết nối khách du lịch quốc tế.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu cần đề ra những biện pháp mạnh mẽ để phát triển đất nước; tạo đà cho phát triển mạnh mẽ những tháng còn lại của năm 2020. Cùng với đó là cần theo dõi sát tình hình quốc tế, có những đối sách về thương mại, đầu tư, du lịch nhất là việc tận dụng, thu hút nguồn vốn đầu tư đang dịch chuyển trên  toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm hai vấn đề mang tính thời sự cao, đó là tiếp tục đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em; hoàn thiện các giải pháp bảo đảm quyền trẻ em.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền trẻ em. Phải đánh giá lại rủi ro, đe dọa an ninh, tính mạng trẻ em bằng việc kết hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Vấn đề tiếp nữa, theo Thủ tướng sẽ được bàn bạc kỹ tại Phiên họp lần này là giá thịt heo. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn trình bày những biện pháp, những yếu tố cấu thành giá thịt heo, trong đó đặc biệt là chi phí thức ăn chăn nuôi, giống, khâu trung gian, tái đàn.
“Giải quyết thịt heo ở khâu đầu ra mà không tính đến khâu đầu vào là duy ý chí, sẽ không thành công”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh quan điểm cần giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, bài bản nhưng cũng tránh những thời điểm heo rớt giá nghiêm trọng, tổn hại đến lợi ích của người nuôi heo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Phải giữ giá thịt heo ổn định bằng chuỗi liên kết giá trị; bằng cách khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại tuyệt, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào.
Chúng ta cố gắng ở mức cao nhất nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5/2020, đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 khiến đơn hàng giảm mạnh. Song tín hiệu mừng là Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu sau 5 tháng đầu năm 2020.
Nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4/2020 chỉ đạt 17.583 triệu USD, thì sang tháng 5, con số ước tính tích cực hơn, với 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm ước tính đạt 529,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35% dự toán năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục