Thủ tướng dâng hương tại Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa

11:42' - 09/02/2019
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội đến dự và dâng hương.

Sáng 9/2 (tức mùng 5 Tết Kỷ Hợi), Lễ hội kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019) và đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “ Gò Đống Đa” đã diễn ra tại Công viên Văn hóa Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN  

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đông đảo các đại biểu lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội đến dự và dâng hương.

Từ 6 giờ, nhân dân và các đoàn tế lễ thực hiện nghi lễ rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân về đền thờ Quang Trung tại Di tích Gò Đống Đa. Lễ dâng hoa, dâng hương, đọc chúc văn được thực hiện trang nghiêm tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung với sự tham gia của các đại biểu dự lễ hội.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ôn lại chiến công hiển hách đại phá 20 vạn quân Mãn Thanh, tưởng nhớ công lao to lớn của người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, chiến sĩ nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt anh dũng chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập.

Sáng 9/2/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt” Gò Đống Đa”. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Từ thế nước lâm nguy, người Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung, đưa quân ra Bắc đánh lại quân Mãn Thanh.

Ông khao quân ăn Tết sớm và hẹn với ba quân sẽ ăn Tết tại Kinh thành Thăng Long vào ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu 1789. Từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung chỉ huy tổng tiến đánh vào các đồn địch, phá huỷ các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ của quân Mãn Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long. Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Năm Kỷ Dậu 1789 đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam.

Đó là một trong những mùa Xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta.

Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn, là nghệ thuật tác chiến chiến lược và trong từng trận đánh. Đó cũng chính là nghệ thuật “chính, kỳ” cổ điển.

Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.

Quang cảnh Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN 

Di tích Gò Đống Đa được xem như là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn, là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập, tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, Di tích lịch sử Gò Đống Đa đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.

Tại Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “ Gò Đống Đa” cho đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội và quận Đống Đa. Đây là niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng.

Sau lễ khai mạc là chương trình biểu diễn nghệ thuật màn sử thi tái hiện lại chiến công của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Phần hội gồm các hoạt động dâng hương của nhân dân và khách thập phương, văn nghệ truyền thống, trò chơi dân gian. Lễ hội diễn ra trong ngày 9/2./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục