Thủ tướng: Ngành tài chính cần đề xuất các chính sách để huy động nguồn lực cho đất nước

16:37' - 10/01/2020
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tài chính trong năm 2019 với nhiều mặt xuất sắc và thắng lợi toàn diện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 diễn ra tại Hà Nội, ngày 10/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tài chính trong năm 2019 với nhiều mặt xuất sắc và thắng lợi toàn diện.

Điểm nổi bật nhất là thu ngân sách vượt dự toán cả ở Trung ương và địa phương, góp phần tạo thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển đát nước.

Về nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng lưu ý trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; trong đó thương mại toàn cầu giảm, Bộ Tài chính cần đề xuất các chính sách để huy động nguồn lực cho đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá; trong đó có việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, các dịch vụ giáo dục, y tế và quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, bảo đảm bình ổn giá và kiểm soát lạm phát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Điều hành giá cũng phải là nghệ thuật, chứ không phải đơn giản là tăng giá ào ào”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ mong muốn ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy chiến lược, thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phục vụ. Không chỉ là mệnh lệnh hành chính, quan liêu, ngành tài chính phải thể hiện tầm nhìn vĩ mô vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì lợi ích chung của đất nước, vì quốc gia, dân tộc, đặc biệt không né tránh trách nhiệm, không thoái thác nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

Ngành tài chính là huyết mạch quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế phát triển và Bộ Tài chính phải đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược chính sách. Tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách Nhà nước, là "khư khư" giữ tiền.

Tài chính phải biết huy động, sử dụng tiền hiệu quả và làm sao tiền đẻ ra tiền; đồng thời phải vì mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh nguồn thu ngân sách là từ sản xuất trong nước, xuất nhập khẩu, dịch vụ..., Thủ tướng yêu cầu thời gian tới ngành tài chính cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

“Đổi mới không phải là từ cái nhà to mà đổi mới từ chính con người và thể chế. Tôi mong rằng chúng ta có bộ máy với những người giỏi, tâm huyết với sự nghiệp ngành tài chính”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài chính làm tốt công tác chống thất thu thuế, chuyển giá; tạo mội trường đầu tư thông thoáng cho phát triển; quản lý chặt chẽ ngân sách và tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước để có nguồn đầu tư cũng như chi tiền lương.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2020, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; giảm thời gian thủ tục hành chính với mục tiêu đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục phối hợp toàn diện với các Bộ, ngành cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế để đến năm 2020 đạt mục tiêu và yêu cầu đề ra; đồng thời phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội cũng như chỉ số xếp hạng giao dịch thương mại qua biên giới…

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, một số chỉ tiêu trọng tâm trong năm 2020 của Bộ Tài chính là tăng thu ngân sách Nhà nước khoảng 3% so với dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước là 22,2% GDP; bội chi ngân sách Nhà nước là 3,44% GDP; dư nợ công là 54,3 GDP; nợ Chính phủ là 48,5 GDP; nợ nước ngoài của quốc gia là 45,8% GDP; nợ thuế dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước.

“Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ, nhất là đối với các Hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh được giao dự toán thu ngân sách là 405.828 tỷ đồng, tăng 1,68% so với dự toán năm 2019 và chiếm tỷ trọng 26,2% tổng thu ngân sách cả nước. Để đạt và vượt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, thành phố sẽ tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử và giả mạo xuất xứ hàng hóa...

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng cho biết, năm 2020, Cần Thơ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ các công trình xây dựng cơ bản, không để tồn đọng và rà soát ngay từ những khâu đầu tiên, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư.

Năm 2019, thu cân đối ngân sách Nhà nước đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng, tăng 92,2 nghìn tỷ đồng so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, tăng 8,7% so thực hiện năm 2018. Đáng chú ý, đây là năm thứ hai thu ngân sách Trung ương vượt thu so dự toán; 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu ngân sách địa phương.

Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên trên 82% năm 2019; tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011 - 2015 xuống khoảng 3,6% năm 2019 và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 13,9% năm 2019.

Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước cũng được thực hiện một cách chủ động. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt khoảng 27% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên còn khoảng 61% tổng chi ngân sách Nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).

Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 ước khoảng 3,4% GDP thực hiện (dự toán 3,7% GDP). Việc phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc được thực hiện chủ động, phù hợp với khả năng ngân quỹ Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục