Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu

19:00' - 01/08/2019
BNEWS Chiều 1/8, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đầu tư công tăng chậm đang làm mất đi một động lực cho tăng trưởng ngắn hạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thủ tướng yêu cầu cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công.

Nhìn lại kết quả triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Thủ tướng điểm lại những điểm sáng như: Sức mua, tiêu dùng tăng mạnh, cho thấy đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Tính chung cả 7 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,61%, thấp nhất so cùng kỳ 3 năm qua.

Các nhà đầu tư trong nước không ngừng đổi mới, sáng tạo, là xu hướng tốt cho tự cường nền kinh tế. Chính sách tài khóa, tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ.

Kiểm soát chỉ số giá cả được thực hiện tốt, thu ngân sách Nhà nước diễn biến tích cực, chi thường xuyên tăng thấp so với cùng kỳ; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, hoạt động của khối doanh nghiệp khởi sắc, nhiều địa phương chủ động cải cách, xúc tiến thương mại, đầu tư. Lĩnh vực y tế, phòng dịch, bệnh được triển khai mạnh mẽ. Lĩnh vực thông tin có nhiều đổi mới trong việc xử lý tin giả, thông tin tích cực tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế…

Đề cập đến những thách thức, tồn tại cần khắc phục trong thời gian qua của kinh tế xã hội, Thủ tướng chỉ rõ, sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn tác động mạnh đến Việt Nam.

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu trong năm 2019 nên không thể chủ quan, nhất là trong bối cảnh căng thẳng chính trị thế giới, giá dầu thế giới diễn biến khó lường, tác động của việc tăng giá điện, tăng lương cơ bản (từ ngày 1/7) có thể sẽ còn tạo áp lực lên lạm phát. Thời tiết nắng nóng, hạn hán lan rộng, dịch bệnh chưa được kiểm soát.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông giải tỏa tâm lý lạm phát; khả năng CPI bình quân tăng đến 4% trong năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra.

Thủ tướng nhận xét, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng song không tích cực như cùng kỳ năm 2018. Nông nghiệp rất khó khăn, 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ tăng 2,39%. Dịch tả lợn châu Phi chưa được ngăn chặn triệt để. Lĩnh vực du lịch diễn biến kém tích cực hơn với lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm tăng 7,9%, thấp hơn mức tăng trên 20% cùng kỳ năm ngoái.

Thủ tướng nhắc lại tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công như một “điểm yếu hiện nay”, 7 tháng mới đạt khoảng 35% kế hoạch, đặc biệt giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt khoảng 14%. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm, khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó là những thách thức từ thiên tai. Công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng cần được triển khai tích cực hơn…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, từng địa phương phải chủ động hơn trong xử lý môi trường “không chôn lấp rác thải như vừa rồi, đồng thời rác ô nhiễm phải trả lại nơi xuất xứ”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xử lý kiên quyết hơn.

Thủ tướng cũng bày tỏ lo lắng về một số vấn đề xã hội gây búc xúc thời gian qua, nhất là tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng.

Trong thực hiện các mục tiêu của năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh đến “quyết tâm hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu  năm 2019. Tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%.

“Tinh thần là càng khó khăn, ý chí vượt khó, quyết tâm của chúng ta càng cao, không thoái chí. Các cấp các ngành phải chỉ đạo quyết liệt hơn các nhiệm vụ năm 2019 để làm đà cho kế hoạch năm 2020”, Thủ tướng nói.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong triển khai các dự án, nhất là dự án mới, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, khắc phục tâm lý “sợ rủi ro” sau khi quyết định đầu tư được phê duyệt.

Các bộ, ngành, địa phương cần đề xuất với Chính phủ, với Thủ tướng các phương án để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách. “Cần rà lại về các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở”. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2018 về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. 

Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, công nghệ tài chính. 

Theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề về tỷ giá, lãi suất; có giải pháp kịp thời, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi các cú sốc bên ngoài.

Tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu triển khai tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận thương mại và gian lận xuất xứ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Thủ tướng đề nghị sớm có biện pháp khắc phục những bất cập yếu kém của nền kinh tế. Các Bộ trưởng tập trung thời gian hơn để xử lý những dự án yếu kém./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục