Thủ tướng Nhật Bản khẳng định mong muốn hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên

16:38' - 19/05/2019
BNEWS Ngày 19/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định mong muốn tiến hành hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một cách vô điều kiện và thẳng thắn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KYODO/TTXVN

Phát biểu trong cuộc gặp ở thủ đô Tokyo với các thành viên gia đình của những công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970-1980, Thủ tướng Abe nêu rõ: "Thông qua việc gặp gỡ Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un mà không đặt ra điều kiện, tôi muốn đối thoại với ông ấy thẳng thắn và cởi mở".

Thủ tướng Abe cũng cam kết giải quyết vấn đề đã tồn tại từ lâu này trong thời gian ông vẫn còn đương chức, và cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp các gia đình này trong khuôn khổ chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 25/5.

Trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào mùa Hè năm nay, Thủ tướng Abe liên tục bày tỏ mong muốn tiến hành đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết. Đây được xem là sự thay đổi bất ngờ so với lập trường trước đó, rằng bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào đều cần đạt tiến triển trong vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.

Trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đều bác bỏ các nỗ lực của Tokyo yêu cầu giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vì cho rằng vấn đề này đã được giải quyết. Trong khi đó, phía Nhật Bản chính thức lập danh sách 17 công dân bị bắt cóc vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, đồng thời nghi ngờ Triều Tiên liên quan đến các trường hợp mất tích khác.

5 trong số 17 công dân Nhật Bản bị bắt cóc đã hồi hương vào năm 2002. Nhật Bản từng tuyên bố nước này sẽ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, cũng như giải quyết vấn đề bắt cóc.

Theo khảo sát hãng tin Kyodo công bố cùng ngày, khoảng 61% số người dân Nhật Bản được hỏi ủng hộ việc Thủ tướng Abe gần đây thay đổi lập trường nhằm tìm kiếm đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết.

Trong một cuộc khảo sát qua điện thoại được tiến hành trên phạm vi cả nước trong hai ngày 18-19/5, có 61,2% số người được hỏi cho biết họ hoan nghênh sự thay đổi lập trường này, trong khi 30,2% phản đối.

Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Abe đạt mức 50,5%, thấp hơn 1,4% so với cuộc khảo sát được tiến hành hồi đầu tháng 5 vừa qua. Tỷ lệ phản đối tăng từ 31,3% lên 36,2%./.
>>> Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Nhật Bản thời kỳ Reiwa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục