Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022

10:01' - 30/11/2022
BNEWS Sáng 30/11, Chính phủ tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Sáng 30/11, Chính phủ tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ còn có Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các Hội, Hiệp hội, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các chính quyền đô thị trực thuộc địa phương.

Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết chuyên đề của Đảng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ tổ chức tổ chức Hội nghị nhằm triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 nêu trên.

Hội nghị được tổ chức trong tháng chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam (ngày 8/11), hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tiềm năng, thách thức của đô thị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Theo đó, Hội nghị kỳ vọng sẽ tạo có chuyển biến tích cực nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới...

Thủ tướng mong muốn, sau hội nghị này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố có các chương trình hành động cụ thể, thiết thực, triển khai ngay, quyết liệt quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam để các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Hội nghị Đô thị toàn quốc được tổ chức 10 năm 1 lần. Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 gắn việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06.

Trước hội nghị này, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đã có 3 phiên họp, hội thảo chuyên đề về các nội dung chủ yếu khác nhau liên quan phát triển đô thị. Qua đó tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học... để việc triển khai Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 148 của Chính phủ đạt hiệu quả cao.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập thảo luận các nội dung quan trọng như: xác định các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá để xây dựng đô thị bền vững, trước mắt là việc xây dựng, quản lý quy hoạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; phát triển hệ thống, theo mạng lưới đô thị thống nhất, bền vững, phù hợp, đồng bộ...

Giới thiệu Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 24/1/2022 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 11/11/2022 Chính phủ ra Nghị quyết số 148/NQ-CP để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết số 148/NQ-CP đề ra 5 nhóm nhiệm vụ gồm 33 nhiệm vụ và 15 chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 trên 45% và trên 50% vào năm 2030; đóng góp kinh tế khu vực đô thị vào GDP cả nước đạt trên 75% vào năm 2025 và trên 85% vào năm 2030; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt 25%-30% vào năm 2025 và 35%-40% vào năm 2030...

Đặc biệt, phấn đấu xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Nội dung Nghị quyết 148 thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ.

Theo đó, yêu cầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật...

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị./.

>>>Quy hoạch để phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển và luồng cảng nước sâu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục