Thủ tướng Phạm Minh Chính: Rà soát văn bản pháp luật, khơi thông cho phát triển

20:04' - 07/08/2024
BNEWS Chiều 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Chiều 7/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo; các Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện một số Ủy ban, cơ quan của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, tại Phiên thứ nhất cách đây 1 tháng, Ban Chỉ đạo đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; giao các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện.

Trong đó, yêu cầu rà soát, sửa đổi các nội dung liên quan đến: phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác cho phát triển.

Trên cơ sở rà soát, xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật với trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc theo nguyên tắc. Các bộ, ngành chủ trì, soạn thảo luật sửa đổi các luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Theo Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo sau phiên họp thứ nhất, có 15 Bộ, cơ quan ngang bộ; 55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp đã thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Đến 31/7/2024, có tổng số 594 kiến nghị được tổng hợp thuộc phạm vi yêu cầu nội dung đề ra tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Trong đó có các nội dung tại 13 Luật như: Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Doanh nghiệp; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý thuế; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Chứng khoán.

Tại phiên họp thứ hai, Ban Chỉ đạo đã rà soát, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ; các nguyên lý, nguyên tắc rà soát văn bản pháp luật; những nội dung có vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; xem xét, đánh giá về thực trạng tình hình xử lý văn bản sau rà soát thời gian qua; đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của hoạt động xử lý văn bản sau rà soát.

Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận đối với những nội dung các vướng mắc, bất cập tại 13 luật như nêu trên và phương án xử lý để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đề xuất giao việc cụ thể cho các bộ, ngành triển khai rà soát, dự thảo văn bản để tổng hợp trình Chính phủ xem xét và để Chính phủ trình hồ sơ dự án luật sang Quốc hội, nhất là các nội dung như: thẩm quyền trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư; quy trình thực hiện dự án đầu tư, chấm dứt đầu tư; bổ sung lĩnh vực được đầu tư và hạn mức vốn Nhà nước trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao Bộ Tư pháp – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương, các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội đã chung sức, vào cuộc trong việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; cũng như các ý kiến chất lượng, sát thực tiễn của các đại biểu phiên họp này.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, trên tinh thần “cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì sửa đổi, bổ sung, luật hóa”; cùng với đó những nội dung đã được đưa vào các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội thì nghiên cứu, đưa vào các luật tới đây.

Nhấn mạnh nguyên tắc của việc điều chỉnh, bổ sung luật phải là những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết, nhằm tạo đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong các văn bản ở tầm luật, phục vụ thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn; tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đồng thời nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở các nội dung được Ban Chỉ đạo đề xuất sửa đổi, bổ sung; thống nhất xây dựng 2 luật để sửa nhiều luật và sửa đổi Luật Đầu tư công, đáp ứng yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo công tâm, khách quan, trong sáng, chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; đánh giá tác động, đảm bảo chắc chắn, khả thi, hiệu quả của luật.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, cơ quan trong việc tổng hợp ý kiến, xây dựng các văn bản luật; trên tinh thần “đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả rồi thì phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội trong việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời rà soát các văn bản dưới luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đề xuất sửa, bổ sung các luật đảm bảo thời gian, chất lượng, quy trình, thủ tục, tính khả thi cao, hiệu quả khi được Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện.

Để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, chính xác của kết quả rà soát, đảm bảo đầy đủ cơ sở tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần linh hoạt tổ chức các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực pháp luật được rà soát theo đúng quy định pháp luật, tạo sự đồng thuận về các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến và triển khai thực thi hiệu quả khi quy định được ban hành, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Với phương châm phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” và yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp chỉ đạo công tác rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành dành nguồn lực đầu tư cho công tác này; phấn đấu các Bộ, ngành hoàn thành văn bản gửi Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trước ngày 10/9/2024 để Ban Chỉ đạo hoàn thiện, trình Chính phủ trước 20/9/2024, kịp trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục