Thủ tướng: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể

13:05' - 22/12/2020
BNEWS Sáng 22/12, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ... tham dự Đại hội.

Đại hội vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng.

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Vai trò và vị trí của của kinh tế tập thể tiếp tục được xác định rõ hơn tại Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là, kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Nhìn lại quá trình phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua có thể nhận thấy, nét văn hóa đặc trưng nhất, đó là dân chủ và đồng thuận, tự nguyện, tự quyết, tự chịu trách nhiệm cùng góp sức, cùng hưởng lợi. Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. Hàng nghìn hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, vận tải, môi trường, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác.

Hơn nữa, phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu....

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã các cấp, với chức năng là tổ chức đại diện cho hơn 8,1 triệu thành viên và hơn 30 triệu người lao động khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Mặt khác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...); kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.

Ngoài ra, phải cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước....

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài.

Nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.

Đặc biệt, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đóng góp gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ, thành viên.

Đáng lưu ý, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và cung ứng cho thị trường từ 18-32% hàng lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, góp phần vào ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát; thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm, tăng thu nhập cho người lao động, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số tồn tại, hạn chế như số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng so với giai đoạn trước những vẫn còn thấp so với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, số lượng hợp tác xã quy mô lớn chưa nhiều, sự liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau theo mô hình liên hiệp hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp mới chỉ đạt hiệu quả bước đầu.

Trong giai đoạn 2020-2025, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đặt ra mục tiêu đưa thu nhập của thành viên hợp tác xã tăng bình quân 6%/năm trở lên; thu hút hộ cá thể, cá nhân, tổ chức khác là thành viên của hợp tác xã, tổ hợp tác tăng bình quân 15%/năm; ít nhất 60% hộ cá thể ở địa bàn nông thôn là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác; đến cuối năm 2025 thu hút ít nhất 90% tổng số hợp tác xã, 100% liên hiệp hợp tác xã và 30% tổ hợp tác đang hoạt động là thành viên chính thức của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Đặc biệt, hàng năm xây dựng từ 300-500 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương.

Đáng lưu ý, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương và GDP của cả nước từ 5% trở lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống, trong bối cảnh Việt Nam đang dần chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường bền vững, việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một thể chế kinh tế tất yếu. Kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún sẽ không có khả năng cạnh tranh. Vì vậy, các hợp tác xã cần thoát khỏi hiện tượng được mùa mất giá, mô hình hợp tác xã là tối ưu cho việc phát triển hiệu quả.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đã trao tặng Huân chương Độc lập Hạng nhì cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Trước đó vào ngày 21/12, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội nghị đã bầu ra 22 ủy viên Ban Thường vụ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI; thiếu 5 ủy viên sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ 2020- 2025. Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam gồm 4 người; trong đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn được bầu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục