Thừa Thiên - Huế thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch ven biển

15:54' - 21/07/2019
BNEWS Dự án Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn (Thừa Thiên-Huế) có tổng vốn đầu tư 1.010 tỷ đồng, quy mô khoảng 42 ha, khi đi vào hoạt động sẽ đón 1.500 khách lưu trú/ngày và 1.000 khách tham quan/ngày.

Trong tháng 7/2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn do Công ty TNHH Đầu tư Dự án Đại Phú Lộc làm chủ đầu tư, với tổng vốn vốn là 1.010 tỷ đồng, có quy mô diện tích khoảng 42 ha.

Khu du lịch dự kiến đón 1.500 khách lưu trú/ngày và 1.000 khách tham quan/ngày. Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn gồm 4 khu chính: Khu hành chính - dịch vụ, khu thương mại, khu lưu trú và khu giải trí, tiêu chuẩn 4-5 sao. Dự án dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động vào tháng 3/2023.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Dự án Đại Phú Lộc sẽ xây dựng một khu nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái vùng đầm phá ven biển và các dịch vụ phụ trợ kèm theo như nhà hàng, các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; hoạt động vui chơi giải trí, cửa hàng bán đồ lưu niệm, đặc sản địa phương và dịch vụ hỗ trợ du lịch cùng các dịch vụ trải nghiệm khác tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Mục tiêu dự án nhằm hình thành khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên đầm với đầy đủ chức năng, kết hợp các mô hình trải nghiệm văn hóa, đời sống ngư dân góp phần thay đổi diện mạo của khu vực huyện Phú Vang nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung với nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm, đầu tư xứng tầm. Khu du lịch này kết nối với các địa điểm du lịch xung quanh khu vực tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch - dịch vụ hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Như vậy, ngoài dự án nêu trên, từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên - Huế còn có thêm 2 dự án khác kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch sinh thái biển, gồm dự án khu du lịch sinh thái biển Hải Dương (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc).

Trong đó, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư TDH biển Hải Dương Huế có tổng diện tích đất 134ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Dự án còn lại (khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc) đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư nhằm xây dựng một khu du lịch-nghỉ dưỡng kết hợp các dịch vụ ẩm thực, vui chơi, tạo nên điểm nhấn đặc sắc tại khu vực đầm phá Cầu Hai.

Dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 100 tỷ đồng (chưa kể tiền thuê đất); khu đất có chức năng là đất du lịch, thương mại dịch vụ này chủ yếu là đất mặt nước và 5.223,3m2 đất lúa; mật độ xây dựng không quá 25%; tiến độ thực hiện dự án không quá 48 tháng tính từ thời điểm thuê đất; thời gian thuê đất là 50 năm với hình thức nộp tiền thuê đất hàng năm.

Huế là thành phố ở vào vùng khí hậu tương đối thuận lợi phát triển du lịch biển, khi nắng nóng kéo dài từ tháng 3-tháng 8 hàng năm. Không chỉ là trung tâm di sản của miền Trung, du lịch Huế hiện nay đang nổi lên như là điểm đến mới hấp dẫn của du lịch nghỉ dưỡng với nhiều bãi biển đẹp tuyệt.

Hiện tại ở đây có 7 bãi biển, gồm: Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương, Vinh Thanh, Hàm Rồng, Hải Bình (biển Lộc Bình) và bãi biển Phú Diên, khách du lịch có thể khám phá trong mùa du lịch biển hấp dẫn.

Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch biển để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, tỉnh luôn chú trọng nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch biển, đầu tư triển khai hàng loạt dự án mới nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương.

Nổi bật dự án Laguna Lăng Cô vừa tăng vốn lên 2 tỷ USD và bổ sung hoạt động kinh doanh casino tại đây, hướng đến trở thành một trong những khu nghỉ dưỡng biển lớn nhất của cả nước trong tương lai.

Trong đó, riêng hoạt động kinh doanh casino chiếm diện tích 2,64 ha với vốn đầu tư dự kiến 249,8 triệu USD. Các hạng mục đầu tư thêm so với quy mô cũ gồm khách sạn tăng từ 2.180 phòng lên 3.178 phòng; biệt thự tăng từ 1.180 căn lên 2.253 căn.

Tiếp đó, Khu du lịch quốc tế Minh Viễn cũng đang gấp rút hoàn thành, đưa vào khai thác khoảng 200 - 300 phòng lưu trú giai đoạn 1 của dự án vào cuối năm nay. Tính tổng cộng, khu du lịch Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách.

Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 25%, doanh thu tăng bình quân 20%. Số lượng khách đến Lăng Cô chiếm 16% tổng lượt khách đến Thừa Thiên - Huế. Năm 2018, Lăng Cô thu hút khoảng hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.400 tỷ đồng.

Với lợi thế hơn 128km đường biển và hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á rộng trên 22.000 ha, Thừa Thiên - Huế xác định đến năm 2020, phát triển mạnh du lịch biển và đầm phá nhằm khai thác thế mạnh tự nhiên, nhất là du lịch sinh thái, tập trung ở khu vực Chân Mây - Lăng Cô và vùng ven biển, ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Trong đó, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt cũng định hướng phát triển xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa-thể thao, cảng quốc tế.

Theo định hướng, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương sẽ phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm: Nghỉ dưỡng; sinh thái; du lịch golf, thể thao, vui chơi giải trí công nghệ cao và phát triển các sản phẩm du lịch phụ trợ. Ở đây sẽ tập trung phát triển 8 phân khu du lịch chính.

Trong đó, phân khu du lịch đầm Lập An, tại Đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (Phân khu A, diện tích khoảng 70 ha) là trung tâm dịch vụ du lịch của khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương, ưu tiên phát triển trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, ẩm thực trên cơ sở khai thác lợi thế mặt nước của đầm Lập An.

Phân khu du lịch biển Lăng Cô, dải ven biển Lăng Cô thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô và một phần diện tích xã Lộc Vĩnh (Phân khu C, diện tích khoảng 540 ha) là phân khu du lịch động lực của khu du lịch; ưu tiên phát triển du lịch biển và du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người dân khu vực thị trấn Lăng Cô.

Phân khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân, phía Nam đèo Hải Vân (Phân khu H, diện tích khoảng 40ha) là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt về cảnh quan, các loài động thực vật của khu vực phía Nam đèo Hải Vân. Ở đây tổ chức các hoạt động trải nghiệm về sinh thái, du lịch mạo hiểm và tham quan thắng cảnh, di tích...

Đến năm 2025, Khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương đặt mục tiêu đón trên 1,5 triệu lượt khách; trong đó, có khoảng 600.000 lượt khách quốc tế.../.

Xem thêm:

>>Thừa Thiên - Huế quy hoạch ngành nghề nông thôn và làng nghề

>>Thừa Thiên-Huế: Hơn 1.200 ha sản xuất vụ Hè Thu có nguy cơ thiếu nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục