Thúc đẩy hành động toàn cầu chống tham nhũng

16:34' - 18/12/2021
BNEWS Khủng hoảng do dịch bệnh hay quá trình phục hồi sau đại dịch đều có thể tạo ra những môi trường thuận lợi để tham nhũng phát triển, những kẻ tham nhũng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng trên thế giới.

Hội nghị lần thứ chín các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC) diễn ra trong 1 tuần tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập), vừa bế mạc ngày 17/12 với việc thông qua Tuyên bố Sharm El-Sheikh cũng như 7 nghị quyết khác nhằm thúc đẩy hợp tác chống tham nhũng trên quy mô toàn cầu.

Đây là sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng trên thế giới, với sự tham gia của hơn 2.130 đại biểu, gồm đại diện các nước thành viên UNCAC, trong đó có Việt Nam, các quan chức, nghị sĩ, các tổ chức phi chính phủ của khu vực và quốc tế, cũng như các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân.

Tuyên bố Sharm El-Sheikh nhấn mạnh nguy cơ tham nhũng gia tăng trong bối cảnh thế giới đang tăng cường chi tiêu phòng chống COVID-19, cứu trợ khẩn cấp về kinh tế và y tế, cũng như thúc đẩy các dự án phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Khủng hoảng do dịch bệnh hay quá trình phục hồi sau đại dịch đều có thể tạo ra những môi trường thuận lợi để tham nhũng phát triển, những kẻ tham nhũng đang tìm cách trục lợi từ tình hình đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng trên thế giới.

Tuyên bố kêu gọi các quốc gia thành viên UNCAC đẩy mạnh hợp tác hơn nữa nhằm ngăn ngừa, xác định, điều tra và truy tố tham nhũng trong thời gian ứng phó và khắc phục khủng hoảng cũng như phục hồi sau đại dịch.

Hội nghị các bên tham gia UNCAC tại Sharm El-Sheikh có ý nghĩa đặc biệt. Được tổ chức chỉ 6 tháng sau phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chủ đề chống tham nhũng mang tên “Những thách thức và biện pháp phòng, chống tham nhũng và tăng cường hợp tác quốc tế", hội nghị Sharm El-Sheikh được coi là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị của các lãnh đạo cấp cao và đại diện các quốc gia thành viên UNCAC đưa ra tại phiên họp đặc biệt, trong đó kêu gọi hành động toàn cầu một cách mạnh mẽ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời công nhận UNCAC là một công cụ pháp lý chung để chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Có thể nói tham nhũng vẫn đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia, tổ chức và cả cộng đồng quốc tế, len lỏi vào hệ thống chính trị, đời sống xã hội cũng như tác động tới quá trình ra quyết định ở mỗi nước. Theo đánh giá của LHQ, nạn tham nhũng kéo theo nhiều hậu quả nặng nề như làm xói mòn lòng tin của người dân, làm suy yếu hệ thống pháp luật và phá hoại những nỗ lực kiến thiết hòa bình cũng như ảnh hưởng tới quyền con người, đặc biệt là người nghèo, yếu thế. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cũng nhấn mạnh tham nhũng là một trong những trở ngại chính đối với sự phát triển bền vững toàn cầu.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành suốt 2 năm nay, tạo ra gánh nặng đối với cả thế giới, yêu cầu chống tham nhũng càng trở nên cấp bách khi tình trạng tham nhũng, trục lợi trong công tác phòng chống dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng.

Đại dịch khiến nhu cầu mua sắm khẩn cấp trang thiết bị y tế tăng cao chưa từng có, dẫn đến tình trạng lợi dụng dịch bệnh thu lợi bất chính với nhiều thủ đoạn khác nhau.

Bên cạnh đó là hành vi tham nhũng liên quan tới kinh phí của chính phủ hỗ trợ người dân  ứng phó với dịch bệnh cũng như giảm nhẹ tác động kinh tế - xã hội do COVID-19 gây ra.

Tháng 5 năm ngoái, Bộ trưởng Y tế Bolivia Marcelo Navajas đã bị bắt vì liên quan tới vụ đội giá hàng triệu USD khi mua máy thở điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Cùng thời điểm, Văn phòng Công tố viên Panama cũng mở một cuộc điều tra tham nhũng liên quan tới Phó chánh Văn phòng Phủ Tổng thống về hợp đồng mua máy thở với mức giá 48.950 USD/bộ, cao hơn nhiều so với mức dao động từ 6.000-10.000 USD/bộ trước thời điểm diễn ra dịch bệnh.

Mới đây nhất, Hội đồng thẩm phán Tòa án Tham nhũng Jakarta đã đưa ra mức án nghiêm khắc đối với cựu Bộ trưởng các vấn đề xã hội Juliari Batubara là 12 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 500 triệu Rupiah (hơn 34.000 USD) do liên quan đến vụ án tham nhũng viện trợ cho người dân trong đại dịch.

Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã mở một cuộc điều tra trên phạm vi rộng đối với các quan chức và công ty tư nhân bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến gói cứu trợ kinh tế trị giá 26 tỷ USD.

Tại Việt Nam, hành vi tham nhũng liên quan tới phòng chống COVID-19 cũng đã xuất hiện. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư … trong phòng, chống dịch.

Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có thanh tra các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.

Trong bối cảnh đó, LHQ kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tại phiên họp đặc biệt Đại hội đồng LHQ về chống tham nhũng tháng 6 vừa qua đã diễn ra lễ ra mắt Mạng lưới hoạt động toàn cầu của các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng (GlobE Network), trong đó Văn phòng LHQ về Phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) sẽ đóng vai trò là Ban Thư ký.

Mạng lưới sẽ cung cấp một công cụ thực tiễn mới cho các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới nhanh hơn, hiệu quả hơn và chủ động chia sẻ thông tin để theo dõi và truy tố tội phạm tham nhũng xuyên biên giới và thu hồi tài sản.

Đặc biệt, mới đây, UNODC cũng đã ban hành chỉ dẫn, chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn và khuyến cáo những biện pháp giảm thiểu nguy cơ tham nhũng trong việc triển khai vaccine ngừa COVID-19.

Tại lễ bế mạc Hội nghị lần thứ chín các bên tham gia UNCAC, Giám đốc Điều hành UNODC Ghada Waly khẳng định rằng Tuyên bố Sharm el-Sheikh về chống tham nhũng trong thời kỳ khủng hoảng sẽ định hướng hợp tác quốc tế trong hành động chống khủng bố để các quốc gia có thể vượt qua đại dịch và phục hồi với “sự thanh liêm”, cũng như sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Bà Ghada Waly nhấn mạnh: “Khi năm 2021 với tất cả các thách thức sắp kết thúc, với nhiều cam kết chống tham nhũng quan trọng được thực hiện trong năm mang tính bước ngoặt này, chúng ta hãy đồng ý rằng năm 2022 sẽ là năm của hành động”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục