Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển

10:02' - 09/11/2022
BNEWS Để doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển.

Khoa học và công nghệ đã thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Giai đoạn 2011-2020, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,5% (2011-2015) lên 45,7% (2016-2020), tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020 đã khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng: Để doanh nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển.

* Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học

Theo báo cáo của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thị trường công nghệ ngày càng phát triển, cả nước hiện có 15 sàn giao dịch công nghệ, 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hơn 50 cơ sở ươm tạo và doanh nghiệp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trên toàn quốc.

Những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách đã góp phần nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ cả nước. Đến nay, cả nước có 687 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 236 trường đại học, 3 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung và gần 67.000 cán bộ nghiên cứu.

 

Các viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp theo mô hình tiên tiến của thế giới ở khu vực công lập và tư nhân được hình thành. Hạ tầng nghiên cứu một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học được đầu tư tăng cường. Nguồn lực thông tin, nền tảng Tri thức Việt số hóa được đầu tư, kết nối và chia sẻ trong cộng đồng.

Thị trường công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển sôi động, hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích sự ra đời của hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế khiến năng suất tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ còn khoảng cách xa so với khu vực và thế giới.

Mặt khác, việc đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà đòi hỏi phải đổi mới cả hệ thống quản lý cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đi kèm.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến 2020 đã đặt ra yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới được một thế hệ công nghệ, tuy nhiên trên thực tế, trình độ công nghệ của nước ta vẫn còn thấp hơn so với các nước.
Bên cạnh đó, ngân sách dành cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế: đầu tư để phát triển khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước, một con số còn hạn chế so với nhu cầu của hoạt động khoa học và công nghệ, tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế đất nước.

Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3-5% ngân sách. Sự chênh lệch về vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ thực sự là thách thức lớn cho năng suất lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Việt Nam còn thấp.
Thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, ít tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường. Còn thiếu chính sách thực sự khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.

* Tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm

Tại hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam", ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhấn mạnh: Việt Nam cần tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh theo hướng: Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hóa được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn.

Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền sử dụng kinh phí từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo thông lệ thương mại; tăng mức phân bổ ngân sách Nhà nước dành cho nhiệm vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, coi đó là khoản tài trợ (không hoàn lại) cho tổ chức/cá nhân chủ trì, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; tạo cơ chế đột phá cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong các viện nghiên cứu, trường đại học.
Từ góc độ viện nghiên cứu, trường đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất cơ chế thí điểm cho Đại học Quốc gia Hà Nội được thí điểm cơ chế đầu tư tài chính khoa học và công nghệ theo 4 bước từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai, sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa hướng tới tự chủ hoạt động khoa học và công nghệ của một số đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; hình thành doanh nghiệp khởi nguồn; phát triển mô hình thí điểm về tổ chức trung gian hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mô hình tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động đào tạo phát triển nhân lực.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, việc nâng cao năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất để nâng tầm quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường thêm các công ty đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp nhà nước truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được nâng cấp để trở thành các công ty đổi mới sáng tạo. Qua đó, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam mới có thể cạnh tranh, hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả kỹ thuật trong các doanh nghiệp bằng các giải pháp quản lý, tổ chức sản xuất hiệu quả bởi chỉ có nâng cao hiệu quả quản lý, trình độ lao động và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mới thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là “chìa khóa vàng” để thúc đẩy năng suất, đưa nền kinh tế phát triển, là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục