Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nhóm ngành tiêu dùng nhanh

18:14' - 14/01/2024
BNEWS Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu và ngày càng diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, có Việt Nam.

Việc chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường.

Nhóm ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), bao gồm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm và đồ uống không cồn cũng nằm chung trong xu hướng ấy với những thương hiệu tiên phong như: Nestlé, Coca Cola, Vinamilk... 

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho hay, 90% các doanh nghiệp FMCG của Việt Nam đã tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hiện chỉ có 10% doanh nghiệp chưa bắt đầu chuyển đổi hoặc chưa có sự chuyển đổi rõ rệt. Tuy nhiên, 82% doanh nghiệp mới chỉ chuyển đổi ở mức sơ khai hoặc trung bình.

 

Tỷ lệ các doanh nghiệp có mức chuyển đổi nâng cao đạt 8%. Trong nhóm ngành sản phẩm có kết quả chuyển đổi kinh tế tuần hoàn tương đối khả quan thuộc về nhóm doanh nghiệp sản xuất đồ uống không cồn.

Đáng chú ý là nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thường có cách tiếp cận và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tốt hơn, nhất là những công ty lớn có sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nước ngoài là những thị trường khó tính có yêu cầu cao về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường.

FMCG là một trong những nhóm ngành được kỳ vọng và có tiềm năng tăng trưởng cao. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống không cồn đang đối mặt với áp lực từ việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, đáp ứng trách  nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhu cầu gia tăng về nguyên nhiên vật liệu cũng như bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây đứt gãy chuỗi cung ứng...

Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến có trách nhiệm và hiệu quả hơn thông qua việc phát triển nguồn lực, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới; giảm lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến; nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng phát triển thị trường quốc tế; gia tăng lợi ích từ chính các hoạt động tái chế, tái sử dụng vật liệu, giảm được các phí liên quan đến xả thải và khai thác tài nguyên. 

 

"Ngoài ra, việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng mang đến những tác động tích cực cho xã hội về quản lý, cải thiện chất lượng môi trường sống và thay đổi nhận thức của cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam chưa có chính sách riêng biệt về kinh tế tuần hoàn; chưa có chương trình mục tiêu quốc gia về kinh tế tuần hoàn hay chưa có điều, khoản, mục riêng trong Luật Ngân sách Nhà nước liên quan tới kinh tế tuần hoàn. Nguồn kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chính sách thuế, phí áp dụng đối với hoạt động khai thác tài nguyên làm nguyên liệu cũng chưa đủ mạnh và còn thiếu ưu đãi thuế cho hoạt động tái chế hay sử dụng sản phẩm tái dùng, sản phẩm xanh và tiềm lực các quỹ của Nhà nước về kinh tế tuần hoàn còn rất mỏng... Do vậy, hoàn thiện thể chế cho việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặc biệt cho kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng và cấp thiết", ông Vinh nhấn mạnh.

Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, với tầm nhìn trở thành công ty toàn cầu gắn kết địa phương, tiên phong trong phát triển bền vững, Nestlé Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng thực hiện các giải pháp và sáng kiến trên tất cả các phương diện, gồm môi trường, xã hội và quản trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thông qua sư hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam, Nestlé đã tạo ra các tác động tích cực với cộng đồng, môi trường, và hành tinh.

Trong 3 năm liên tiếp, nhất là xếp hạng ở vị trí dẫn đầu trong Bảng xếp hạng các doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững CSI 2023 vừa qua là sự ghi nhận đáng tự hào đối với những nỗ lực không ngừng của Nestlé Việt Nam trong việc thực hiện cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Vừa qua, Nestlé Việt Nam hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm thúc đẩy và chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển, chuyển đổi số và hợp tác đa bên.

Cũng trong năm 2023, Nestlé Việt Nam đã chính thức khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam nhằm trồng hơn 2,3 triệu cây, góp phần giảm hấp thụ và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 2023 - 2027.

Tương tự, ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển nguồn cung ứng bền vững cho hay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang là xu hướng tất yếu đối với tất cả cộng đồng kinh doanh.

Để phát triển doanh nghiệp một cách bền vững, CPV cùng các nhà cung cấp sẽ đồng hành cùng nhau thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, bằng cách cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, xã hội và môi trường.

Việc lọt vào “Top 100 Doanh nghiệp bền vững thuộc lĩnh vực sản xuất 2023” chính là kết quả nỗ lực trên suốt chặng đường hoạt động sản xuất của các ngành kinh doanh thuộc CPV trong việc tiếp nhận và áp dụng các chỉ số bền vững CSI cũng như mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua đó, hướng đến là một doanh nghiệp phát triển kinh tế, kinh doanh phù hợp với xu thế, đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của xã hội, nhưng luôn vì cộng đồng xã hội và vì môi trường xanh bền vững của nhân loại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục