Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn xuyên suốt chuỗi cung ứng

14:52' - 12/11/2022
BNEWS Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững không giới hạn bởi một sản phẩm, mà có thể nhìn rộng ra mô hình kinh doanh.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu nếu doanh nghiệp muốn phát triển sản xuất kinh doanh bền vững. Bởi xu thế này không chỉ tạo ra những cơ hội làm ăn mới và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng vốn khá dễ đứt gãy như hiện nay, mà còn mang lại hiệu quả vượt trội về lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm "Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Dự án Sáng tạo khởi nghiệp SKC của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12/11.

 

Tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế tuần hoàn đang được xem như một trong những công cụ giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ hướng đến phát triển bền vững.

Trong phát triển kinh tế luôn có những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường và đời sống con người, nên càng ngày càng nhiều nước hướng đến kinh tế tuần hoàn để hỗ trợ cân bằng phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường, thậm chí còn tạo ra những giá trị mới như "tái sinh".

Đơn cử, ở lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là giải pháp có thể đóng góp rất nhiều vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thúc đẩy nền tảng nông nghiệp tái sinh.

Đây là giá trị vô cùng lớn mà không dễ triển khai, nhưng cần xác định là mục tiêu mà nền kinh tế nông nghiệp cần hướng đến để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ con người và môi trường sống.

Ghi nhận trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đã và đang có đa dạng mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả theo mục tiêu của kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững nên cần được nhân rộng và lan tỏa ra nhiều hơn ngành nghề, lĩnh vực. Bởi những mô hình này đã cho thấy đóng góp tích cực về kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, cải thiện đời sống người dân.

Ông Phạm Minh Thiện, CEO Công ty TNHH Thanh Bình phân tích, không chỉ những sản phẩm đảm bảo mục tiêu của kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, mà bất cứ sản phẩm nào khi thương mại hóa sản phẩm đều có cơ hội và thách thức như nhau.

Do đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng... mới có thể tạo được đầu ra ổn định.

Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững không giới hạn bởi một sản phẩm, mà có thể nhìn rộng ra mô hình kinh doanh. Khi xây dựng và hình thành kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững bằng những mô hình thành công sẽ không chỉ chuyển giao công nghệ mà còn đóng góp thiết thực trong gia tăng giá trị kinh tế. Để làm được điều này, cần sự chung tay góp sức của đa dạng nguồn lực trong phát triển những giá trị mà doanh nghiệp nghiên cứu sáng tạo.

Còn theo bà Trần Hoàng Phú Xuân, Giám đốc Công ty CP Kết nối thời trang Faslink, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững là vấn đề cần phải chủ động triển khai trong cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo cam kết của những Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam ký kết và tham gia.

Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho ra đời một số mô hình sản xuất kinh doanh với nhiều nền tảng và giải pháp để doanh nghiệp áp dụng vào chuỗi cung ứng của mình.

Doanh nghiệp đưa ra sản phẩm đáp ứng được mục tiêu của kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững đã là một nỗ lực không ngừng, nên xây dựng hành trình và chứng minh được quy trình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững càng không dễ dàng.

Tuy vậy, giai đoạn dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, đã góp phần giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, nhất là thúc đẩy quyết tâm của doanh nghiệp hướng đến kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững như là một yếu tố sống còn trên thị trường.

Hơn thế nữa, một số doanh nghiệp cho hay, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn đảm bảo "tái sinh" nguồn nguyên liệu, môi trường, văn hóa và sự sống cho con người. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững phải là vấn đề được thực hiện xuyên suốt trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu cuối mới mang lại hiệu quả cao.

Chia sẻ về kinh nghiệm, theo đuổi xu thế kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, anh Phạm Đình Ngãi, CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) chỉ ra rằng, tiếp cận tư duy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững theo hướng khảo sát thực địa tại địa phương có những điều kiện thuận lợi gì thì làm trước, hoặc chuyển đổi tài nguyên bản địa thành chuỗi giá trị mới.

Cụ thể, Trà Vinh là một tỉnh giáp biển, ngày càng có những vùng đất bị ngập mặn nên có xuất hiện vùng đất nông nghiệp, trồng trọt bị giảm năng suất.

Trong đó, có thể kể đến thu nhập của người nông dân trồng dừa bị sụt giảm do năng suất cây trồng này bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Vì vậy, Sokfarm đã chuyển đổi những vùng chỉ trồng dừa lấy trái này sang trồng dừa thu mật hoa dừa, hoặc vừa thu trái và mật hoa dừa..., góp phần tăng thu nhập gấp 5 lần cho người nông dân so với trước đó.

Ở góc độ Hội doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, để hàng Việt tiếp tục phát huy giá trị thương hiệu trên thị thường trong và ngoài nước thì cần liên tục cập nhật mới và sàng lọc tiêu chuẩn phù hợp với thị trường thương mại tự do. Trên cơ sở này, tạo bệ đỡ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện; trong đó có những định hướng cụ thể theo xu thế kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Tọa đàm "Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn" lần này, cũng là một trong những hoạt động bên lề hướng đến Diễn đàn Mekong Connect 2022, với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” tại thành phố Cần Thơ, dự kiến diễn ra trong hai ngày 23 và 24/11/2022. 

Mekong Connect 2022 được điều phối bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh thành phố Cần Thơ, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ.

Đây là Diễn đàn thường niên dành cho các doanh nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia trong nước và quốc tế cùng các đối tượng có mối quan tâm đến lợi ích liên quan đến Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diễn đàn năm này còn mở rộng với nhiều hoạt động liên kết, chia sẻ, hợp tác từ Tp. Hồ Chí Minh, địa phương phát triển kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung./. 

>>>Phát triển kinh tế xanh - tuần hoàn từ sản phẩm OCOP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục