Thúc đẩy năng lực xuất khẩu của vùng kinh tế trọng điểm

10:36' - 18/06/2024
BNEWS Từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ - vùng giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Theo đó, các tỉnh, thành trong vùng luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

* Điểm sáng bức tranh kinh tế

Theo Sở Công Thương Bình Dương, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Bình Dương trong 5 tháng năm 2024 khi kim ngạch xuất khẩu thời gian này đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 13,9% so cùng kỳ; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 14,9%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 11,2 tỷ USD, tăng 13,6% so cùng kỳ.

 

Có thể nói, trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển biến khả quan. Các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ… đều có mức tăng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.

Đặc biệt, kết quả này cho thấy năng lực của doanh nghiệp cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội của thị trường, điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Lưu Phước Lộc cho biết, ngành gỗ luôn là một trong những điểm sáng của Bình Dương về kim ngạch xuất khẩu. Với nhiều thế mạnh cùng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế.

Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm thêm đơn hàng thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời xúc tiến vào các thị trường mới khu vực Trung Đông.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất khẩu hàng hóa gần 9,3 tỷ USD, nhập khẩu hơn 6,45 tỷ USD nên cán cân thương mại nghiêng về phía Đồng Nai với xuất siêu hơn 2,8 tỷ USD. Trong cơ cấu xuất khẩu của Đồng Nai, có đến hơn 60% kim ngạch xuất khẩu thuộc các nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ cho các ngành như điện tử, dệt may, giày dép, linh kiện máy móc, thiết bị…

Hàng hóa của Đồng Nai hiện xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu. Theo các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu tốt lên, đơn đặt hàng cũng nhiều hơn. Nếu không có biến động lớn trên thế giới về chính trị, thương mại trong quý III, IV/2024, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Năm 2024, Đồng Nai có thể xuất siêu hơn 6,8 tỷ USD.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến quý III/2024 nhưng phải chịu sức ép đơn giá giảm, hàng rào kỹ thuật cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nỗ lực để không bỏ mất đơn hàng, chấp nhận thu nhập giảm và tìm giải pháp tiết giảm chi phí, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Từ những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với chính sách hỗ trợ xuất khẩu của chính quyền thành phố, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Tp. Hồ Chí Minh đạt 97,8 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 55,3 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng sau khi thích ứng với những biến động lớn của thị trường thế giới. Hầu hết kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng và thị trường đều tăng so với cùng kỳ, là điểm sáng và mang đến kỳ vọng về sự tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2024.

* Tăng cường hỗ trợ

Theo Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, trong những tháng cuối năm, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan Tham tán thương mại tại nước ngoài duy trì thực hiện Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng bằng hình thức trực tuyến.

Qua đó, cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng của tỉnh về tình hình cung cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương triển khai hiệu quả, kịp thời các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan...

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là bảo đảm thông quan nhanh hàng hóa.

Thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, Thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu và tìm hiểu các khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, khả năng và năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế. Từ đó, tham mưu đề xuất UBND Thành phố các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế.

Đồng thời, tập trung tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm và các thị trường mới, tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA),... để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, những tín hiệu tích cực về xuất khẩu tại Tp. Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm 2024 sẽ là tín hiệu tốt để Thành phố bứt phá, đạt mục tiêu đặt ra. Năm 2024 là năm bứt phá để nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy, Tp. Hồ Chí Minh đề ra chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,5% so với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu trên địa bàn tăng 10%.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu trên, ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài Trung Quốc, Hoa Kỳ. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp cho xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh giảm thiểu tính chu kỳ và tăng trưởng ổn định hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục