Thúc đẩy phát triển các cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương

19:09' - 24/08/2020
BNEWS Các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác và phối hợp cùng giải quyết các thách thức về môi trường và kinh tế, xã hội mà các nước thành viên phải đối mặt.

Ngày 24/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công -Lan Thương (MLC) lần thứ ba theo hình thức trực tuyến. Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về kết quả Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ ba.

*Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả chính của hội nghị Mê Công-Lan Thương lần này?

* Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Một là, Hội nghị lần này đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương và cũng là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện kế hoạch hợp tác 5 năm đầu tiên (giai đoạn 2018 – 2022) giữa sáu nước thành viên.

Hội nghị cấp cao Mê Công-Lan Thương lần này cũng rất đặc biệt, tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động rất lớn đến các nền kinh tế trên khắp toàn cầu. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đều khẳng định đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các nước khu vực Mê Công-Lan Thương và nhận định đây là dịp quan trọng để Lãnh đạo cấp cao sáu nước cùng trao đổi về những vấn đề lớn của khu vực và thống nhất phương hướng, biện pháp giải quyết các thách thức chung.

Sau khi rà soát lại toàn bộ quá trình hợp tác Mê Công-Lan Thương từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác MLC 2018-2022, các nhà Lãnh đạo đều đánh giá cao việc triển khai ba trụ cột chính là hợp tác về chính trị, hợp tác về kinh tế và phát triển bền vững và hợp tác về giao lưu văn hóa giữa các nước Mê Công - Lan Thương, tuy trong thời gian ngắn nhưng đã đi vào thực chất, đạt được hiệu quả và mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia thành viên cũng như  người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng được thể hiện rõ nét trong quá trình hợp tác chặt chẽ giữa các bên để ứng phó thành công với đại dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Hai là, Hội nghị đã đi sâu thảo luận hai nội dung chính sau: Rà soát tình hình triển khai các kế hoạch hợp tác đã thống nhất; Định hướng hợp tác tương lai.

Về tình hình hợp tác, nhìn chung, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao những kết quả hợp tác đã đạt được trong hai năm qua, đặc biệt là việc sáu nước đã triển khai hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, quản lý nguồn nước… Một số trung tâm hợp tác chuyên ngành như Trung tâm toàn cầu về nghiên cứu Mê Công, Trung tâm hợp tác nguồn nước, Trung tâm hợp tác về môi trường, Trung tâm hợp tác về nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động ổn định.

Về hợp tác thời gian tới, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác và phối hợp cùng giải quyết các thách thức về môi trường và kinh tế, xã hội mà các nước thành viên phải đối mặt. Theo đó, sáu nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong ba trụ cột (chính trị, kinh tế - phát triển bền vững và văn hóa – xã hội) và năm lĩnh vực ưu tiên (gồm kết nối, quản lý nguồn nước, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo).

Một số điểm nổi bật đã được các nhà Lãnh đạo nhất trí gồm: Tăng cường hợp tác y tế để ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua các hoạt động nghiên cứu chung, đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm điều trị và phòng ngừa, nâng cao năng lực xử lý các vấn đề y tế khẩn cấp, bảo đảm tiếp cận bình đẳng các nguồn vắc-xin và thuốc điều trị.

Bảo đảm sự ổn định cho hoạt động sản xuất và các chuỗi cung ứng khu vực, duy trì đà tăng trưởng kinh tế: thúc đẩy kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; xây dựng ngành công nghiệp nông nghiệp thông minh; phát triển kinh tế số; kết nối doanh nghiệp.

Các nước Mê Công đánh giá cao việc Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các hàng nông sản Mê Công trong bối cảnh khó khăn hiện nay và đề xuất của Trung Quốc thành lập quỹ đặc biệt MLC về y tế cộng đồng để hỗ trợ các nước MLC ứng phó với đại dịch COVID-19 và trong lĩnh vực y tế nói chung sau này.

Tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu SDGs 2030: thực hiện Chiến lược hợp tác môi trường Mê Công – Lan Thương, Sáng kiến Mê Công – Lan Thương xanh; triển khai các hoạt động thực chất về biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí, quản lý môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường đô thị. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được xem là một trọng tâm, đặc biệt là hoạt động của trung tâm hợp tác về nông nghiệp và việc duy trì xuất khẩu hàng nông sản Mê Công sang thị trường Trung Quốc.

Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và nguồn lực chuyển đổi nguồn nhân lực cho khu vực Mê Công: khuyến khích hợp tác giữa các các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giao lưu giữa các tầng lớp thanh niên của các nước sông Mê Công. Hỗ trợ các nước thành viên phát triển ngành du lịch xanh, bền vững, có sức chống chịu cao do đây là lĩnh vực tiềm năng, được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch kết thúc.

Ba là, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận về hợp tác quản lý nguồn nước Mê Công. Các nhà Lãnh đạo đã trao đổi về tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông trong năm 2019 – 2020 và thống nhất cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mê Công.

Theo đó, sáu nước sẽ: Tổ chức định kỳ Hội nghị Bộ trưởng MLC về hợp tác nguồn nước; thúc đẩy các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, số liệu và kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước xuyên biên giới; xây dựng kênh chia sẻ thông tin MLC về nguồn nước; Triển khai các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mê Công, các hoạt động hợp tác về thích ứng biến đổi khí hậu, an toàn đập thủy điện, an toàn nước sinh hoạt, quản lý lũ lụt và hạn hán.

Các nhà lãnh đạo Mê Công-Lan Thương cũng đánh giá cao để xuất thành lập trung tâm dữ liệu thủy văn và chia sẻ nguồn dữ liệu cho các nước Mê Công trong bối cảnh hạn hán diễn ra gay gắt. Việc chia sẻ dữ liệu thủy văn trong cả năm sẽ hỗ trợ tích cực phối hợp giữa các nước ven sông trong quản lý hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, phục vụ lợi ích của tất cả các nước ven sông.

*Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam tại hội nghị lần này?

*Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Với chủ trương luôn là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp hiệu quả cho hợp tác Mê Công – Lan Thương ngay từ những ngày đầu thành lập.

Đối với Hội nghị lần này, các bộ, ngành của ta đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo văn kiện trên tinh thần xây dựng, hợp tác vì lợi ích chung của cả khu vực. Dự thảo văn kiện đã phản ánh nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên khác để bảo đảm công tác chuẩn bị cẩn thận, chu đáo.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên thảo luận về những vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của khu vực và các giải pháp cần thiết.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh ba nội dung hợp tác cụ thể mà sáu nước cần chú trọng trong thời gian tới đó là: phối hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về dịch COVID -19 một cách thường xuyên, kịp thời và minh bạch, trong đó đặc biệt lưu tâm tới việc hợp tác trong sản xuất vắc xin và đưa vắc xin tiếp cận được tới người dân trong khu vực; hợp tác sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước Mê Công để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn cả năm của cả lưu vực sông Mê Công từ thượng nguồn ở Trung Quốc xuống đến hạ nguồn ở Việt Nam, qua đó hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực của lũ lụt hay tình trạng hạn hán sáu tháng đầu năm 2020 vừa qua.

Hội nghị đã đánh giá cao những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và thảo luận tại Hội nghị.

*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục