Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc

13:12' - 14/11/2019
BNEWS Ngày 14/11, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc”.
Tọa đàm Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiến lược và đầy tiềm năng của Việt Nam với dân số hơn 1,42 tỷ người. Nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản của nước này khoảng 160 tỷ USD/năm, tập trung vào nhóm các sản phẩm rau quả tươi, thủy sản, thịt và sữa…

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn, nhập khẩu nông sản nhiều nhưng thực tế Việt Nam mới đáp ứng một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch nhập nhẩu của Trung Quốc nên dư địa thị trường này còn rất lớn.

Tuy nhiên, thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi chính sách nhập khẩu. Việc thay đổi này theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây là điều tất yếu trong phát triển của một nền kinh tế. Do chúng ta chưa chủ động tìm hiểu sự thay đổi của họ, nên khi họ áp dụng thì cho rằng họ gây khó khăn cho chúng ta.

Những doanh nghiệp lớn có tiềm lực lớn, tài chính mạnh, khả năng phân tích thị trường tốt đã tiếp cận thành công thị trường này. Nếu nông dân vẫn giữ quy mô sản xuất nhỏ, cá thể thì việc vào thị trường Trung Quốc sẽ rất khó. Từ yêu cầu của thị trường Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại thị trường để có thay đổi phù hợp.

Nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh chờ xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Đại biểu quốc hội tỉnh An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Trung Quốc không dễ. An Giang hiện nay xuất khẩu chính lúa gạo và thủy sản là cá tra. Tỉnh chỉ có hai doanh nghiệp được Trung Quốc đến khảo sát vùng nguyên liệu và nhà máy nhưng chỉ một doanh nghiệp đạt. Điều đó cho thấy, việc đạt được tiêu chuẩn của Trung Quốc rất khắt khe.

Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, thói quen khá lâu của nông dân trong sản xuất nhỏ lẻ sẽ rất khó thay đổi ngay. Do đó, rất cần vai trò quan trọng của nhà nước để là bệ đỡ, có chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp. Sản xuất liên kết là yếu tố quan trọng nhưng chính sách vẫn chưa đủ “liều”.

Các ngành chức năng cần rà soát các chính sách, những điểm nghẽn khiến chưa gắn kết được người sản xuất và doanh nghiệp. Khi có chính sách đủ liều thì người dân sẽ gắn kết với nhau, với doanh nghiệp và tạo được sự chung thủy của nông dân. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thông tin cho nông dân về các tiêu chuẩn, kỹ thuật từng loại để đáp ứng được thị trường nhập khẩu.

Từ câu chuyện Tập đoàn TH đưa được sản phẩm sữa tươi vào thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Kiên cho đánh giá, Tập đoàn TH không đơn thuần chỉ là doanh nghiệp xuất khẩu mà họ là nhà sản xuất và đã hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa từ nuôi trồng, chế biến, tìm hiểu thị trường và xuất khẩu. Bài học ở đây là nếu không nghiên cứu thị trường bài bản, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chứng minh sản phẩm trong chuỗi sản xuất thì việc vượt qua hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu là rất khó.

Ông Lê Thanh Hòa cũng thông tin, việc Tập đoàn TH xuất khẩu sản phẩm sữa tươi vào Trung Quốc đã đánh dấu bước ngoặt trong việc mở ra những đàm phán tiếp theo, giải quyết các vấn đề về giám sát để xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất cố gắng trong việc xây dựng các chương trình giám sát dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm.

Hai bên đang phối hợp cùng các chuyên gia quốc tế có các nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn sự tương đương trong chăn nuôi của hai nước. Những chương trình giám sát đó là chìa khóa quan trọng trong việc công nhận tương đương, đưa sản phẩm hai nước xuất khẩu cho nhau. Khi đó, nếu làm tốt trong sản xuất, tuân thủy các quy định trong quản lý, giám sát, các doanh nghiệp đều cơ hội xuất khẩu như nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục