Thực hiện các giải pháp căn cơ đảm bảo an toàn giao thông khu vực đèo Lò Xo

18:51' - 20/06/2018
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát để đưa ra giải pháp tổng thể, căn cơ về công tác an toàn giao thông cho toàn bộ 27 km đường qua khu vực đèo Lò Xo.
Các nạn nhân bị tai nạn trên đèo Lò Xo được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Chiều 20/6, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đèo Lò Xo (nằm trên trục Quốc lộ 14, thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát để đưa ra giải pháp tổng thể, căn cơ về công tác an toàn giao thông cho toàn bộ 27 km đường qua khu vực đèo Lò Xo.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, qua thực tế kiểm tra và đánh giá sơ bộ, công tác bảo đảm an toàn tại khu vực Đèo Lò Xo tốt hơn so với một số đèo tại một số tỉnh phía Bắc.

Ví dụ như các đèo tại Quốc lộ 6 từ Hòa Bình đi Sơn La, Lai Châu, Điện Biên hay Quốc lộ 70 từ Yên Bái lên Lào Cai có mức độ quanh co, đường hẹp, nguy hiểm hơn nhưng tai nạn lại xảy ra không nhiều.

Nhưng vì sao khu vực đèo Lò Xo liên tục xảy ra tai nạn? Đây chính là lý do Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị chức năng đánh giá lại tổng thể công tác an toàn giao thông tại khu vực này.

Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo những đoạn đường nào cần gia cường giải pháp xây dựng tường bê tông, chắn bê tông hay hộ lan can hai tầng. Những việc này sẽ được thực hiện ngay.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ yêu cầu làm ngay một số gờ giảm tốc tại các vị trí nguy hiểm. Tiếp theo sẽ chỉ đạo cắm một số biển báo hạn chế tốc độ với xe tải, xe khách (xe khách chở khách từ 16 chỗ trở lên) tại các vị trí nguy cơ tai nạn cao.

Song song với đó, Bộ Giao thông Vận tải đang cho các đơn vị chức năng kiểm tra lại vấn đề về “siêu cao” tại một số đoạn siêu dốc.

Đánh giá về vụ tại nạn xảy ra vào khoảng 2 giờ 30 phút ngày 16/6 vừa qua tại km 1421+700 đèo Lò Xo, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông thông tin, chủ xe cho rằng nguyên nhân tai nạn là do việc mất hơi dẫn đến hệ thống nén trợ lực cho hệ thống phanh, hệ thống lái bị vô hiệu… Tuy nhiên, nếu giả định như vậy là đúng thì đây là lỗi xuất phát từ yếu tố con người, chủ phương tiện không quan tâm đến các điều kiện an toàn khi chạy xe.

“Luật Giao thông đường bộ quy định, giữa 2 kỳ đăng kiểm thì chủ phương tiện phải đảm bảo các yêu cầu để xe được an toàn. Đặc biệt là xe tham gia kinh doanh vận tải chở khách. Ngoài ra, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thiết bị giám sát hành trình của xe tai nạn hôm 16/6 vừa qua đã ngừng hoạt động 3 ngày.

Đấy là chưa kể bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe bị tai nạn cũng hết hạn. Chính vì vậy, cần phải xem xét trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải”, ông Nguyễn Văn Thạch nhận định.

Đèo Lò Xo, nằm trên trục Quốc lộ 14, thuộc địa phận làng Măng Khen, xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum được xem là “điểm đen” xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Ngày 19/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa đã ký văn bản về việc đảm bảo an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Glei, Kon Tum gửi đến Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị Bộ này sửa chữa đèo Lò Xo.

Đèo Lò Xo có chiều dài khoảng 27km từ lâu đã được các lái xe và người dân gọi kèm là “đèo tử thần”. Trong đó, đoạn km 1419+500 thuộc địa bàn xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum được các lái xe gọi là “dốc tử thần”.

Theo thống kê, đã có hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đoạn đèo Lò Xo chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018.

Gần đây nhất là 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; ngày 1/3/2018, tại Km1419+500 xe khách giường nằm lao xuống vực làm 1 người tử vong tại chỗ và 19 người bị thương; ngày 16/6/2018, tại Km1430+700 xe khách giường nằm lao xuống vực làm 3 người tử vong tại chỗ và 19 người bị thương.

Với thực trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, có phương án đầu tư, cải tạo một số đoạn đường đèo, để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, hạn chế tai nạn giao thông nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Glei và qua tỉnh Kon Tum nói chung.

Ngày 17/6/2018, Đoàn công tác của Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành khảo sát thực tế tuyến đường này và chỉ đạo ngay các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn.

Đánh giá về tuyến đường khu vực đèo Lò Xo sau khi khảo sát thực tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh: đây là tuyến giao thông hết sức quan trọng, huyết mạch nối các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Việc đầu tư nâng cấp tuyến đường là cần thiết, song trước mắt nguồn vốn ngân sách còn khó khăn.

Trước tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tục, cần thiết phải có một giải pháp tổng thể cho vấn đề an toàn giao thông, như xây dựng hệ thống cọc tiêu, biển báo, hộ lan can; có quy định bắt buộc đối với các lái xe đặc biệt là lái xe vận tải hành khách về tốc độ và thời gian qua đèo; trước, sau, giữa đèo có các điểm dừng nghỉ để lái xe thật thoải mái và có thời gian kiểm tra an toàn phương tiện phòng ngừa tai nạn xảy ra.

Về những giải pháp căn cơ để giảm thiểu tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết: chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới là giao Tổng Cục đường bộ Việt Nam nghiên cứu tổng thể về vấn đề giải pháp an toàn giao thông với chiều dài 27km của đèo Lò Xo này và đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể.

“Chúng tôi cũng sẽ dành kinh phí bảo trì đường bộ để thực hiện những giải pháp tổng thể để đèo Lò Xo có hệ thống an toàn. Mặc dù chúng ta chưa đầu tư nâng cấp mở rộng được nhưng chúng ta cố gắng đảm bảo hệ thống an toàn của tuyến đường này.

Có những nơi cần đưa hộ lan can cứng vào, có những nơi cần đưa hộ lan can mềm. Những đường cua có thể tiếp tục phải cắt để mở rộng tầm nhìn và mở rộng phần bụng. Rồi bố trí lại một số hệ thống rãnh cho phù hợp”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giao nhiệm vụ cho Cục quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) trong hai tuần tới phải trình lãnh đạo Bộ phương án tổng thể, chi tiết đảm bảo an toàn giao thông cho 27km đường đèo Lò Xo và việc triển khai trên thực địa phải hoàn thành xong trong năm nay./.

Xem thêm:

>>>Kiến nghị cải tạo đường đèo Lò Xo để hạn chế tai nạn

>>>Hậu quả vụ tai nạn trên đèo Lò Xo được giảm thiểu nhờ có tường hộ lan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục