Thượng đỉnh liên Triều 2018: Nhiều kỳ vọng cho hợp tác kinh tế hai miền

11:35' - 27/04/2018
BNEWS Giới doanh nghiệp kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ là chất xúc tác giúp khôi phục hoạt động sản xuất lâu nay vẫn bị đình trệ tại các nhà máy liên doanh giữa hai miền Triều Tiên ở thành phố Kaesong.
Người dân Hàn Quốc theo dõi hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay nhau tại đường ranh giới phân định hai miền. AFP/ TTXVN
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4 đã chính thức bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử Thượng đỉnh liên Triều 2018 mà theo nhận định của giới phân tích có thể là nỗ lực đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong việc nối lại quan hệ kinh tế giữa hai miền. 

Sau các nghi lễ mang tính biểu tượng tại đường ranh giới phân định hai miền Triều Tiên, đúng 10h30 giờ Hàn Quốc, tức 8h30 giờ Hà Nội ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử. Một trong những diễn biến được trông đợi nhất trong hội nghị thượng đỉnh lần này là liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có hiện thực hóa cam kết ông đưa ra cách đây một tuần tại cuộc họp của đảng cầm quyền rằng sẽ tìm kiếm một môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế để có thể thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên. 

Hàng chục doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Triều Tiên thực sự hân hoan khi theo dõi diễn biến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được truyền hình trực tiếp sáng 27/4, trong đó ghi lại cảnh hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên bắt tay thân mật, như một dấu hiệu hứa hẹn về một bầu không khí cởi mở sắp tới trong quan hệ giữa hai quốc gia. 

Giới doanh nghiệp kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ là chất xúc tác giúp khôi phục hoạt động sản xuất lâu nay vẫn bị đình trệ tại các nhà máy liên doanh giữa hai miền Triều Tiên ở thành phố Kaesong. Đại diện cho 123 công ty Hàn Quốc có nhà máy hoạt động tại Kaesong, ông Shin Han-yong, hy vọng hội nghị sẽ là tạo tiền đề để hồi sinh Khu công nghiệp Kaesong. Ông vẫn rất lạc quan vào kết quả của cuộc gặp lần này dù tương lai cụm công nghiệp Kaesong và các vấn đề kinh tế không có trong chương trình nghị sự. 

Trong khi đó, liên minh đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng kêu gọi thiết lập tình hình ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, tạo điều kiện cho hai miền trao đổi kinh tế nhiều hơn nữa. Liên minh này cũng cho rằng cuộc gặp sẽ đặt nền móng thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tạo động lực cho các công ty Hàn Quốc trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng mạnh lên. 

Cụm công nghiệp Kaesong mở cửa từ năm 2004 được coi là một biểu tượng quan trọng trong hợp tác kinh tế của hai miền Triều Tiên với nguồn vốn và công nghệ từ Hàn Quốc được triển khai cùng với nguồn lao động giá rẻ ở Triều Tiên. Từ tháng 2/2016, Hàn Quốc đã cấm mọi hoạt động sản xuất tại đây sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa lần thứ 4. Việc các công ty tại khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động ước tính gây thiệt hại khoảng 1.500 tỷ won (tương đương 1,3 tỷ USD). Hàn Quốc cho biết việc nối lại hoạt động tại Kaesong cũng như các dự án hợp tác xuyên biên giới sẽ phụ thuộc vào tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên 

Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc hiện cũng đang dõi theo sự hợp tác kinh tế tương lai giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được hy vọng có thể mở rộng khi các căng thẳng dịu đi. 

Tâm lý lạc quan của giới đầu tư lạc quan trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử đã tạo đà đi lên mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán Hàn Quốc khi mở phiên 27/4. Chỉ số KOSPI tăng 28,71 điểm, tương đương 1,16%, lên 2.504,35 điểm trong 15 phút đầu phiên và vẫn giữ được sắc xanh khi thị trường đóng cửa phiên sáng. Cổ phiếu của tập đoàn Samsung Electronics tăng 2,26%, hãng sản xuất chip điện tử SK hynix tăng 2,08% trong khi LG Electronics tăng 2,48%. Cổ phiếu của các công ty dược phẩm cũng khởi sắc, với Samsung BioLogics tăng 1,3%, Celltrion tăng 2,72% và Hanmi Pharm tăng 2%. Đồng won cũng được đẩy lên mức cao so với đồng USD, được giao dịch ở mức 1.076 won/USD, tăng 4,9% so với thời điểm chốt phiên trước đó. 

Hơn 34% khán giả xem truyền hình Hàn Quốc tại thủ đô Seoul dõi theo truyền hình trực tiếp cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo kết quả khảo sát của hãng giám sát truyền thông ATAM sáng 27/4. Thượng đỉnh liên Triều 2018 là cuộc gặp lần thứ ba kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, song là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo của hai miền trong vòng một thập kỷ qua. Cuộc gặp này cùng với một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên được lên kế hoạch vào đầu tháng Sáu tới, được xem là một cơ hội quan trọng có thể tạo đột phá cho vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sau một năm căng thẳng lên đến cực điểm. 

Hiện nền kinh tế hai miền Triều Tiên thể hiện sự phân cực khá rõ nét. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đồng thời là nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới, là một nhà chế tạo hàng đầu về các sản phẩm công nghệ cao, một nhà giao dịch toàn cầu được hưởng hạ tầng hạng nhất thế giới. Trong khi đó, theo nhiều ước tính, quy mô của nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên chỉ bằng một phần nhỏ (1/15 đến 1/30) của Hàn Quốc. 

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy trong quý I/2018 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 1,1% so với quý trước đó, “lội ngược dòng” từ mức suy giảm 0,2% ghi nhận trong ba tháng cuối năm 2017. So với cùng kỳ năm trước, GDP quý I/2018 của nước này đã tăng 2,8%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 3% trong suốt năm 2019. Marcus Noland, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế đánh giá, về phương diện lịch sử, nền kinh tế Hàn Quốc miễn nhiễm với các lo ngại về an ninh từ Triều Tiên, các nhà đầu tư Hàn Quốc có xu hướng không để ý tới các căng thẳng giữa hai nước. 

Cũng theo số liệu từ BoK, GDP thực năm 2016 của Triều Tiên đứng ở mức 32.000 tỷ won (28,5 tỷ USD), so với mức 1,508.3 triệu tỷ won (1.340 tỷ USD) của Hàn Quốc. BoK ước tính GDP của Triều Tiên tăng gần 4% trong năm 2016, sau đà giảm 1,1% trong năm trước đó. 

Kinh tế Triều Tiên đối mặt với nhiều khó khăn do Mỹ và phương Tây tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm vào Bình Nhưỡng liên quan tới chương trình hạt nhân, theo nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó cô lập nước này hơn nữa. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, các lệnh trừng phạt quốc tế gây ảnh hưởng tới thương mại của Triều Tiên trong năm 2017, làm đình trệ hoạt động công nghiệp của nước này và khiến sản lượng nông nghiệp giảm sút. Ước tính sản lượng ngũ cốc đã giảm 2% xuống 4,71 triệu tấn và xuất khẩu than đá của Triều Tiên sang Trung Quốc đã giảm hơn 75%. 

Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang rất kỳ vọng vào sự hợp tác kinh tế giữa hai miền sau sự kiện lịch sử này và Văn phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc hy vọng sẽ là cầu nối thúc đẩy sự hợp tác kinh tế trên bán đảo Triều Tiên. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục