Thương hiệu Việt đi tìm chữ Tín (Bài 1)

09:55' - 15/04/2016
BNEWS Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào thực sự có tiếng vang trên thị trường quốc tế. Sở dĩ vậy bởi chất lượng sản phẩm còn hạn chế, mẫu mã hàng hóa còn mờ nhạt nên ít người trên thế giới biết đến.

Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào thực sự có tiếng vang trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Lâu nay, khi nói đến xây dựng thương hiệu phần lớn doanh nghiệp đều nghĩ nhiều đến các chiêu thức truyền thông quảng cáo, thiết kế logo, slogan để đánh bóng tên tuổi và hình ảnh của mình.

Đành rằng, truyền thông quảng cáo là một trong những công cụ quan trọng để bán hàng, góp phần xây dựng và duy trì nhận diện thương hiệu.

Tuy nhiên, truyền thông quảng cáo chỉ là bước trung gian, là công cụ kết nối giữa giá và giá trị, giữa thương hiệu và khách hàng chứ không phải nơi “bắt đầu” hay điểm “chuyển tiếp” của quá trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Có lẽ vì vậy, không ít doanh nghiệp đã phải trả giá khi dựa vào quảng cáo để nâng cao giá trị hình ảnh sản phẩm của mình mà đốt cháy giai đoạn chinh phục thị trường. Đối diện với áp lực và thách thức luôn phải “tốt hơn hôm qua” và “khác với đối thủ” là cần thiết trong kinh doanh.

Nhưng, nếu thiếu kiên định cũng dễ khiến doanh nghiệp mắc phải những sai lầm trong ngắn hạn, dẫn đến tàn phá những hệ giá trị đã, đang và sẽ có của thương hiệu.

Chưa có tiếng vang thương hiệu

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đến nay Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu nào thực sự có tiếng vang trên thị trường quốc tế. Sở dĩ vậy bởi chất lượng sản phẩm của Việt Nam còn hạn chế, hàng hóa của Việt Nam cũng rất mờ nhạt khiến thương hiệu của các sản phẩm đến từ Việt Nam được ít người trên thế giới biết đến.

Từ lý do này mà thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện nhiều trường hợp nhượng quyền thương mại cho một Tập đoàn lớn nào đó của nước ngoài. Đây là con đường dễ nhất và là ngắn nhất để “xuất khẩu” một thương hiệu Việt ra nước ngoài, không những mang lại sự phát triển vượt bậc về giá trị của một doanh nghiệp mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước. 

Năm 2016, được giới chuyên gia nhận định là năm của những thay đổi mang tính nền tảng và cũng là năm của nhiều khởi đầu ngoạn mục cho ngành nhượng quyền Việt Nam.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sự thâm nhập mạnh mẽ và nhanh chóng bằng nhiều con đường của các nhà bán lẻ nước ngoài là xu hướng tất yếu của quá trình Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Sức ép từ mua bán sáp nhập

Dự kiến trong năm 2016 và các năm tiếp theo, mua bán sáp nhập vẫn còn tiếp tục sôi động với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và của cả nhà đầu tư trong nước vào cả lĩnh vực phân phối và cả sản xuất dịch vụ.

"Do đó, để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không thua trên sân nhà, các doanh nghiệp phải đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn với các thương hiệu lớn đến từ nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN

Các doanh nghiệp đã liên doanh, liên kết hoặc bán một phần vốn có các doanh nghiệp nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị doanh nghiệp, nắm bắt những kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để từng bước phát triển không đánh mất thương hiệu." - ông Vũ Vinh Phú nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng không khỏi quan ngại trước việc tại thị trường nội địa hiện nay, một mặt các Tập đoàn, công ty nước ngoài tăng cường đầu tư chi phí quảng bá mạnh mẽ thương hiệu của mình, tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp nội địa.

Mặt khác, họ bắt đầu khai thác một số thương hiệu nổi tiếng sẵn có của Việt Nam, bằng cách bỏ tiền mua lại thương hiệu và phát triển sản phẩm thành thương hiệu của mình.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh cho rằng, thực tế hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp đang phải xây dựng chiến lược để làm sao trụ vững trên sân nhà và tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam hơn là mong muốn đưa thương hiệu của Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, để làm được điều này, trước tiên sản phẩm và chất lượng dịch vụ phải tốt, nếu không có các tiêu chí này thì khả năng xây dựng hình ảnh và thương hiệu gần như không có.

Theo ông Ngân, không phải các doanh nghiệp không nhận thấy điều này nhưng với những khó khăn đeo đẳng lâu nay đã khiến họ loay hoay không giải được bài toán thương hiệu trên chính sản phẩm của mình.

Xem thêm:

>> Thương hiệu Việt đi tìm chữ Tín: Bài 2: Chữ "Tín" và sự khác biệt 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục