Thương mại Anh-EU sẽ đối mặt với sự thay đổi lịch sử

16:00' - 07/11/2020
BNEWS Cộng đồng doanh nghiệp của Anh từ lâu đã đặt kỳ vọng vào một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, thất bại của Chính phủ đồng nghĩa với việc thương mại nước này sẽ chịu tổn thất "đáng kể" khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay.

Báo cáo mới đây của Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh (NAO) cho rằng dù đạt được thỏa thuận thương mại với EU hay không thì đại dịch COVID-19 - vốn đang gây ra một cuộc suy thoái lịch sử ở Anh - vẫn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong vấn đề vận chuyển hàng hóa, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Anh chính thức rời EU vào tháng 1/2020, song nhưng vẫn bị ràng buộc bởi các quy tắc của khối trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài đến cuối năm nay, với hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Cả Anh và EU đều đang nỗ lực để phát triển một quan hệ đối tác kinh tế mới, nhưng sự ra đi hoàn toàn của Anh có nghĩa là hai bên sẽ phải chấp nhận một số thay đổi, đặc biệt là việc kiểm tra hải quan đối với xe tải từ các cảng của Anh đến EU.

NAO cũng đồng tình với những chỉ trích suốt nhiều tháng qua của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cho rằng Chính phủ Anh đã tạo mọi áp lực lên các doanh nghiệp để chuẩn bị cho giai đoạn hậu Brexit, song lại không tự trang bị đủ cho chính mình.

Theo NAO, ngay cả khi Chính phủ Anh đạt được thêm những bước tiến trong quá trình chuẩn bị cho giai đoạn hậu Brexit, vẫn có khả năng hoạt động giao thương ở biên giới giữa Anh và EU bị gián đoạn ngay từ ngày 1/1/2021, bởi các doanh nghiệp chưa chuẩn bị cho các biện pháp kiểm soát biên giới mới của EU.

Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho rằng, nếu Anh không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU thì sẽ là một điều “vô cùng tồi tệ” đối với Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson, bởi nó khiến nền kinh tế nước này, vốn đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, càng chìm sâu vào “hố đen”.

Trong khi đó, David Henig, chuyên gia thương mại tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế thuộc Trung tâm châu Âu có trụ sở tại London, cho rằng các doanh nghiệp Anh phải chứng kiến sự thay đổi lịch sử trong quan hệ thương mại giữa Anh và EU- bất kể kết quả của các cuộc đàm phán thương mại với khối này ra sao.

Theo ông Henig, dòng chảy thương mại vốn liền mạch giữa Anh và EU sẽ được thay thế bằng những rào cản đáng kể về mặt hải quan, quy định và dịch vụ.

Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh. Một thỏa thuận thương mại có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho một số quá trình chuyển đổi, nhưng Brexit vẫn sẽ là một thay đổi lớn.

Người phát ngôn của Thủ tướng Johnson cho biết, Chính phủ Anh đang đẩy mạnh chi tiêu vào cơ sở hạ tầng biên giới, đồng thời nhấn mạnh sự chuẩn bị quan trọng cho những thay đổi hậu Brexit đã được thực hiện và Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, triển vọng này đã trở nên u ám hơn sau khi nước Anh bước vào giai đoạn phong tỏa xã hội lần thứ hai để hạn chế sự lây lan dịch COVID-19 đang tăng vọt, khiến hy vọng về một sự phục hồi kinh tế nhanh chóng vỡ vụn, bất chấp gói kích thích lớn từ Chính phủ và Ngân hàng trung ương Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục