Thương mại điện tử của Thái Lan sẽ tăng trưởng gấp bốn lần vào 2025

13:33' - 28/06/2019
BNEWS Giá trị thị trường thương mại điện tử của Thái Lan dự báo sẽ tăng từ 3 tỷ USD năm 2018 lên 13 tỷ USD vào năm 2025, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa của nước này trên toàn cầu.

Tờ Bangkok Post dẫn lời Giám đốc phụ trách Hong Kong, Đài Loan và thương mại qua biên giới của Đông Nam Á của eBay, bà Jenny Hui cho biết Thái Lan có nhiều mặt hàng được ưu chuộng trên thế giới, trong đó, năm nhóm hàng đầu bảng được bán qua biên giới thông qua thương mại điện tử bao gồm đồ trang sức và đồng hồ, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, phụ tùng xe hơi, đồ gia dụng và làm vườn, và các vật sưu tầm.
Bà Hui đề cập tới Báo cáo Google/Temasek e-Conomy 2018, trong đó nhận xét thị trường thương mại điện tử của Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ và đứng thứ ba về quy mô thị trường sau Indonesia và Việt Nam. 

Theo bà Hui, do thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, Đông Nam Á sẽ chiếm 20% thương mại điện tử của thế giới vào năm 2022.

Ngoài ra, châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ trở thành khu vực thương mại xuyên biên giới lớn nhất về cả xuất khẩu và nhập khẩu.
Bà Hui cho biết giá trị của thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á đạt 23,3 tỷ USD năm 2018 và dự kiến sẽ lên tới 103 tỷ USD vào năm 2025.

Trong vài năm trở lại đây, thương mại xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử đã thay đổi từ những sản phẩm nhẹ và rẻ tiền sang những mặt hàng giá trị cao và cồng kềnh hơn.

Theo báo cáo thương mại xuyên biên giới năm 2017 của eMarketer, thương mại điện tử xuyên biên giới đang tăng 29,3% mỗi năm kể từ năm 2014 và thương mại điện tử toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm 13,5%.
Nhân tố chính cho sự tăng trưởng này là việc gia tăng dòng thông tin, hậu cần và vốn xuyên biên giới.

Dòng thông tin ngày nay đã được cải thiện với dữ liệu lớn, mạng xã hội và các thiết bị đa màn hình, so với việc chỉ có một mặt hàng được mô tả trước đây.

Ngoài ra, hoạt động hậu cần cũng được nâng cao với các hệ thống theo dõi sản phẩm, số hóa, trả lại hàng và các hoạt động kho bãi, khác hẳn với việc chỉ giao hàng trực tiếp như trước đây.

Dòng vốn của thương mại điện tử xuyên biên giới ngày nay cần quản lý rủi ro, quản lý thanh khoản, tài chính và bảo hiểm, trong khi trước đây chỉ đơn thuần là rút tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền và quy đổi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục