Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch

17:24' - 10/05/2022
BNEWS Trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 đang trên đà phát triển vượt bậc thì Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á.

Ngày 10/5, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF), với chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch” tại Tp. Hồ Chí Minh.

 

Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, đón đầu xu hướng thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, nhất là những lĩnh vực chuyển đổi số, kinh doanh onilne, blockchain... nên diễn dàn tập trung các chủ đề như tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối toàn cầu trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của thương mại điện tử.

Hầu hết phiên thảo luận chú trọng cung cấp thông tin, giới thiệu những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật; tiềm năng thị trường; chính sách và quy định pháp luật mới ban hành... đến cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Thống kê ở lĩnh vực thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh trên toàn cầu đến từ thương mại điện tử. Tác động của đại dịch COVID-19 thúc đẩy đà tăng trưởng thương mại điện tử ở nhiều quốc gia; trong đó, có Việt Nam.
Cụ thể, quý I/2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam khả quan và dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Việt Nam đã và đang có những tính hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm... nên cho phép kỳ vọng sẽ kéo theo chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tăng lên.

Giám đốc cấp cao, bán lẻ Nguyễn Tấn Vương, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, những yếu tố cốt lõi quyết định mua sắm online vẫn là giá cả hợp lý, hoạt động khuyến mãi và thời gian giao nhận hàng hóa. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có tầm ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng như đánh giá, nhận xét từ người dùng trước; thương hiệu uy tín...
Để thu hút người tiêu dùng, sàn thương mại điện tử cần hiểu khách hàng và nắm bắt thị hiếu tiêu dùng. Trong số đó, mua sắm đa kênh vẫn sẽ thống trị thị trường bán lẻ và doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh để tối ưu hóa hành trình mua sắm của khách hàng ngày càng đảm bảo tính tiện lợi, chọn lọc, tương tác...
Cùng quan điểm này, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam Phạm Thị Quỳnh Trang, chỉ ra rằng, thương mại điện tử là một trong những kênh giúp doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Đây là xu thế phát triển từ lâu trong nền kinh tế Việt Nam, chứ không phải mới hình thành trong đại dịch vừa qua.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận từ nền tảng được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã tạo đà cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, lĩnh vực chuyển đổi số và kinh doanh online chiếm tỷ lệ quan trọng hơn trong quản trị và vận hành doanh nghiệp Việt tăng lên đáng kể.

Một số chuyên gia khác tham gia diễn đàn cũng đưa nhận định, những yếu tố để thương mại diện tử tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch có thể kể đến là thị trường còn nhiều dư địa phát triển tiềm năng.

Trong khi đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số, thương mại điện tử và bán hàng online. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức về tầm nhìn phát triển bền vững thương mại điện tử.
Báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 đang trên đà phát triển vượt bậc thì Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Điển hình, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Theo báo cáo này, mức giá trên sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá 200.000 - 5000.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín.../.

>>>Doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia "sân chơi" thương mại điện tử


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục