Thương mại Mỹ -Trung có thể gặp nhiều sóng gió hậu bầu cử

20:07' - 15/11/2024
BNEWS Khi đối mặt với nguy cơ của một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ, Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi đáp trả trong những năm gần đây.

 Trung Quốc có thể thực hiện những giải pháp có khả năng gây tác động lớn đến hoạt động thương mại và lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Sáu năm sau khi các chính sách của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên làm nổ ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống đắc cử Mỹ đã chỉ định một loạt nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vào chính quyền của ông và đe dọa áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, mức có thể làm suy giảm thương mại giữa hai nước.

 

Vấn đề nan giải đối với Trung Quốc hiện nay là thặng dư thương mại khá lớn của nước này với Mỹ có nghĩa là bất kỳ biện pháp đối phó trực tiếp nào cũng có thể có tác động hạn chế.

Trung Quốc đã cho thấy sự sẵn sàng trong việc sử dụng một số biện pháp bất cân xứng để đáp trả thuế quan và hạn chế thương mại từ cả chính quyền của ông Trump và ông Joe Biden. Nếu các đề xuất của ông Trump trở thành chính sách, Trung Quốc có thể phải cân nhắc nhiều lựa chọn hơn, gây nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột thậm chí còn khó kiềm chế hơn.

Các giải pháp thay thế mà Trung Quốc thực thi có thể không tránh cho nước này việc chịu ảnh hưởng, một mối lo ngại đối với nền kinh tế vốn đang trong cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Biện pháp mạnh nhất mà Trung Quốc sử dụng có thể là bán toàn bộ hoặc một phần lớn trái phiếu của Mỹ mà nước này nắm giữ với giá trị lên tới khoảng 734 tỷ USD. Điều này có thể sẽ gây áp lực lên lợi suất trái phiếu Mỹ và gây rối loạn thị trường tài chính toàn cầu.

Trung Quốc đã cắt giảm hơn 1/3 lượng trái phiếu trực tiếp nắm giữ kể từ năm 2017. Việc Trung Quốc mong muốn đa dạng hóa đầu tư có nghĩa hoạt động này có thể tiếp tục.

Việc Trung Quốc đột ngột bán phá giá trái phiếu của Mỹ sẽ khiến giá trái phiếu giảm, làm giảm giá trị trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ cũng như dự trữ ngoại hối. Điều này cũng sẽ mang lại cho các nhà xuất khẩu Mỹ lợi thế so sánh vì đồng USD xuống giá.

Trong khi đó, việc đồng nhân dân tệ xuống giá sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh hơn và giúp cân bằng một số tác động nếu Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa của Trung Quốc. Theo phân tích từ các nhà kinh tế của Morgan Stanley như ông Robin Xing, trong cuộc xung đột thương mại đầu tiên vào năm 2018 và 2019, đồng nhân dân tệ đã mất giá 11,5% so với đồng bạc xanh và bù đắp khoảng 2/3 mức tăng thuế.

Hơn một nửa số nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng này cho biết Trung Quốc có thể làm suy yếu đồng nhân dân tệ để đáp trả các đề xuất áp mức thuế cao của ông Trump. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại có quan điểm khác biệt về mức độ mất giá của đồng tiền này so với mức hiện tại là khoảng 7,24 nhân dân tệ/USD, với ước tính dao động từ 7,3- 8 nhân dân tệ/USD vào năm 2025.

Việc đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ đẩy thặng dư thương mại kỷ lục của Trung Quốc lên cao và khiến các đối tác khác phản ứng, có thể dùng đến thuế quan để giải quyết sự mất cân bằng trong thương mại toàn cầu. Điều này cũng có thể thúc đẩy dòng vốn chảy ra ngoài và tiếp tục khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đổ tiền vào nước này.

Một giải pháp khác của Trung Quốc là hạn chế các khoáng sản quan trọng. Mùa Hè năm ngoái, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu galium và germanium, hai kim loại rất quan trọng đối với các linh kiện chip, thiết bị viễn thông và xe điện. Động thái này được nhiều người coi là một nỗ lực nhằm tạo đòn bẩy cho Trung Quốc để thúc đẩy Nhà Trắng loại bỏ các biện pháp kiểm soát của chính họ.

Nhiều tháng sau, Trung Quốc tăng cường hạn chế xuất khẩu một số loại than chì khi Mỹ thắt chặt các quy định để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến. Việc kiểm soát xuất khẩu tiếp tục với antimony.

Những hạn chế đối với những khoáng sản quan trọng khác như đất hiếm, những mặt hàng mà nguồn cung do Trung Quốc kiểm soát, có thể khiến Mỹ mất đi nguồn nguyên liệu cần thiết để tạo ra các công nghệ tiên tiến, ít nhất là trong ngắn hạn. Trung Quốc có một danh sách dài để lựa chọn vì nước này là nhà sản xuất hàng đầu khoảng 20 nguyên liệu thô quan trọng.

Nguy cơ của biện pháp này là các đối tác thương mại ngừng coi Trung Quốc là nhà cung cấp đáng tin cậy và tìm nguồn thay thế, đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

Tiếp đến, Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ. Kể từ cuộc chiến thương mại đầu tiên, Trung Quốc đã đưa ra “Danh sách thực thể không đáng tin cậy” và “Đạo luật chống trừng phạt nước ngoài” nhằm vào các công ty hoặc cá nhân mà họ coi là gây tổn hại cho sự phát triển của Trung Quốc. Nguy cơ tịch thu tài sản hoặc chặn các giao dịch là một vấn đề đối với các tập đoàn như Apple Inc., Tesla Inc. hay Microsoft Corp., với doanh thu hàng chục tỷ USD hàng năm từ Trung Quốc.

Đánh giá của Trung Quốc vào năm ngoái về an ninh mạng đối với các sản phẩm nhập khẩu từ nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ, Micron Technology Inc., đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa hai nước và các công ty có thể ngày càng bị cuốn vào tầm ngắm của các chính sách khác nhau giữa hai chính phủ.

Vào tháng 9/2024, các nhà chức trách cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu điều tra công ty mẹ của Tommy Hilfiger và Calvin Klein vì nghi ngờ đã áp dụng những biện pháp “phân biệt đối xử” đối với những sản phẩm bông đến từ vùng Tân Cương. Nguy cơ là Mỹ có thể dễ dàng đáp trả bằng cách nhắm vào các công ty Trung Quốc và các cuộc tẩy chay của người tiêu dùng có thể leo thang và nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cuối cùng, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với các đồng minh truyền thống của Mỹ, một phần để giảm bớt tác động của mối quan hệ đang xấu đi với đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Chiến lược gia địa chính trị của BCA Research, Matt Gertken, cho rằng một trong những chiến lược hiệu quả nhất mà Trung Quốc có thể theo đuổi trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại sẽ là thành lập liên minh ở Á-Âu cùng với ngoại giao thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục