Thương mại thế giới trước sức ép của chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị

05:30' - 24/09/2024
BNEWS Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị đang dẫn đến xu hướng bất ổn mạnh mẽ trong thương mại thế giới.

Đó là lời cảnh báo của chuyên gia kinh tế Pháp Isabelle Méjean, được đăng trên nhật báo Le Monde. Là thành viên của Hội đồng phân tích kinh tế Pháp, bà Méjean cho rằng trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo các tập đoàn quốc tế sẽ khó có thể đảm bảo hài hòa các mục tiêu về tăng cường khả năng cạnh tranh và chia sẻ rủi ro.

Vào tháng 1/2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York lần đầu tiên công bố chỉ số về “áp lực” đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự gián đoạn trong hoạt động hậu cần quốc tế khiến cơ quan quản lý tiền tệ Mỹ lo lắng, đồng thời đe dọa thúc đẩy lạm phát vốn đã tăng vọt lên mức cao. Sau đó, tình trạng ùn tắc tại các cảng lớn của Trung Quốc, nơi phân phối chính các loại hàng hóa toàn cầu, đã giảm bớt, nhưng sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị quốc tế đang khiến thương mại thế giới phải đối mặt với tình trạng bất ổn mạnh mẽ.

Mặc dù các nước phương Tây đã kêu gọi tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ, thậm chí đề xuất giải pháp tách rời khỏi sự phụ thuộc vào một số khu vực nhất định trên thế giới, nhưng bản đồ địa lý của thương mại toàn cầu phản ánh hàng triệu quyết định riêng lẻ mà các cơ quan công quyền ít có khả năng tác động trực tiếp. Trong khi đó, quyết định của các chủ thể kinh tế quốc tế đang ngày càng ít có ảnh hưởng đối với tình hình hiện tại. Các doanh nghiệp trở nên lúng túng khi mất lòng tin đối với các quy tắc của hệ thống đa phương.

Trong những năm 1990 và 2000, các công ty lớn đã đầu tư nhiều vào các chuỗi cung ứng quốc tế, giảm chi phí bằng cách chuyển một số công đoạn sản xuất sang các nước có giá nhân công thấp. Họ cũng đã phát triển mạng lưới khách hàng của mình ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi châu Âu tăng trưởng chậm chạp, thì các tập đoàn lại tìm thấy những động lực tăng trưởng đáng khích lệ ở châu Á và Nam Mỹ. Việc quốc tế hóa các công ty đã mang lại lợi ích cả về khả năng cạnh tranh và chia sẻ rủi ro.

Tuy nhiên, các sự kiện trong những năm gần đây đã khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về những lợi ích này. Sự gián đoạn trong hoạt động hậu cần quốc tế do đại dịch COVID-19 làm nổi bật sự mong manh của chuỗi cung ứng "siêu toàn cầu hóa". Sự khan hiếm của nguồn cung ứng, kết hợp với cơ cấu sản xuất ngày càng phức tạp, đã khiến sản xuất ngày càng khó khăn trong thời kỳ đại dịch.

Tình trạng thiếu chất bán dẫn vào năm 2021-2022 là một ví dụ điển hình, kéo theo sự đình trệ trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Cuộc khủng hoảng khiến chúng ta nhận ra rằng 60% nhu cầu về chất bán dẫn toàn cầu đều thông qua một nhà cung cấp duy nhất, công ty TSMC ở Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Không chỉ TSMC giành được thế độc quyền trong việc cung ứng mà rất nhiều nguyên liệu khác cũng trong tình trạng tương tự.

Theo phân tích dữ liệu thương mại quốc tế, 88% cobalt dùng để sản xuất pin lithium ngày nay được khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Trung Quốc thống trị phần lớn thị trường kim loại hiếm cần thiết cho nhiều loại sản phẩm điện tử. Nước này cùng với Ấn Độ cũng là nơi tập trung sản xuất nhiều nhất thành phần hóa chất dùng cho dược phẩm, hóa chất tiên tiến và chế biến nhựa cho thế giới.

Sự tập trung cao độ của sản xuất toàn cầu đặt ra thách thức về khả năng bảo đảm cho việc mở cửa thị trường. Trong một thế giới có sự phụ thuộc lẫn nhau một cách mạnh mẽ, trong đó một số công ty gần như độc quyền ở các nút trọng yếu của chuỗi giá trị, thì một phần đáng kể sản xuất toàn cầu sẽ phải đối mặt với những khó khăn của một số ít công ty mà họ bị phụ thuộc.

Sự gián đoạn sau đại dịch đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến các tập đoàn quốc tế đau đầu, và việc quản lý loại rủi ro này trở thành một phần cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của họ. Đó là chưa kể rủi ro địa chính trị ngày nay đang khiến cho mọi thứ trở nên bấp bênh, khó đoán định và gây tốn kém hơn nhiều.

Các công ty quốc tế cũng là nạn nhân của việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế kinh tế vì mục đích chính trị. Cuộc chiến thương mại được phát động dưới thời ông Donald Trump cũng đã tác động nặng nề đến một số công ty nhất định ở Mỹ, Trung Quốc và cả ở châu Âu.

Trong cuộc khảo sát của công ty Allianz Trade năm 2024, các doanh nghiệp được khảo sát đã chỉ ra rủi ro địa chính trị là một trong ba nguồn gây bất ổn chính mà họ sẽ phải đối mặt trong năm nay. Căng thẳng gia tăng giữa châu Âu và Trung Quốc sau quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp thuế nhập khẩu xe điện của Trung Quốc rõ ràng không phải là tin tốt đối với các nhà xuất khẩu châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục