Thương mại toàn cầu tiềm ẩn các biến số khó lường

13:30' - 15/09/2021
BNEWS Sự phục hồi của thương mại toàn cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đạt mức cao kỷ lục trong quý đầu tiên của năm 2021.

Giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu được dự báo đạt 6.600 tỷ USD trong quý II/2021, tương đương với mức tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo, thương mại toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi trở lại với mức tăng 8%.

Còn công ty Moody’s Investors Service dự kiến thương mại toàn cầu sẽ tăng 7-9% năm 2021 và khối lượng thương mại sẽ không đạt mức trước thời điểm dịch bệnh ít nhất tới năm 2022.

Triển vọng tích cực trong ngắn hạn đối với thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi sự chênh lệch giữa các khu vực, những khó khăn trong thương mại dịch vụ và chiến dịch tiêm chủng.

Đại dịch vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng thương mại do làn sóng lây nhiễm mới trước sự xuất hiện của các biến thể mới khiến thương mại toàn cầu đối mặt với những biến số khó lường và có thể làm suy yếu kỳ vọng phục hồi.

Động lực tăng trưởng

Sau khi các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, giãn cách nghiêm ngặt và các doanh nghiệp mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại giúp nền kinh tế toàn cầu có xu hướng phục hồi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 6% cho năm 2021. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nền kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6% - tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua.

Các nền kinh tế phục hồi nên chính sách thương mại có thể được thực hiện thông qua các cuộc đàm phán, thay vì thuế quan. Sự lạc quan thận trọng về thương mại toàn cầu tiếp tục được bảo đảm nhờ sự hợp tác quốc tế và triển vọng hợp tác đa phương, để cùng giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trên thực tế.

Sau một thời gian dài đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc khủng hoảng COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ tăng cường hơn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, áp dụng các chính sách nới lỏng hơn giữa các nước. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng và đây cũng là bước tiến quan trọng để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng cũng như đầu tư trong năm 2021.

Ngoài ra, sự phối hợp cộng tác quốc tế và công nghệ vẫn là những yếu tố thúc đẩy cho sự phục hồi. Feryal Ahmadi, Giám đốc Điều hành Trung tâm hàng hóa đa quốc gia Dubai (DMCC), cho rằng sau một giai đoạn đầy thách thức thương mại toàn cầu sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong khi địa chính trị sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức và tác động đến hệ thống thương mại toàn cầu, việc áp dụng công nghệ sẽ tiếp tục định hình tương lai của thương mại.

Trước nhu cầu cần nhanh chóng thực hiện các đơn hàng và giao hàng ngày càng tăng cao, thương mại điện tử xuyên biên giới đang làm thay đổi chuỗi cung ứng. Áp dụng công nghệ trong vận chuyển cũng tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu. Công nghệ và mục tiêu hướng tới sự bền vững sẽ tiếp thêm "nhiên liệu" tăng tốc thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số của tương lai, nâng cao vai trò của nghiên cứu và phát triển, kết hợp các hoạt động bền vững sử dụng công nghệ mới.

Tương lai chưa chắc chắn

Giá trị thương mại hàng hoá trên toàn cầu tăng lên phần nào cũng nhờ vào xu hướng tăng giá của các loại hàng hoá, song vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn khiến bức tranh thương mại toàn cầu chưa thực sự được định hình trong giai đoạn tới.

Triển vọng tích cực của thương mại toàn cầu thời gian tới vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố như nỗ lực phòng chống dịch bệnh của các nước, xu hướng đi lên kéo dài của giá hàng hóa và sự hỗ trợ của các gói kích thích tài khóa, kích thích kinh tế của các nước.

Nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ có các đặc điểm chính như sự phục hồi không đồng đều với hoạt động thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo động lực lan toả đến các quốc gia có quan hệ thương mại gần gũi như các quốc gia khu vực Đông Á, Canada và Mexico, trong khi tình trạng đứt gãy kinh tế và giao thương của nhiều nước đang phát triển vẫn kéo dài cho ít nhất đến hết năm nay.

Xu hướng thu hẹp khoảng cách chuỗi cung ứng hoặc đưa hoạt động sản xuất về trong nước sẽ tiếp tục nổi lên cùng với việc xuất hiện các hiệp định thương mại cấp khu vực, trong khi cuộc khủng hoảng thiếu container và giá cước vận tải biển liên tục tăng cao.

Nguy cơ dòng chảy thương mại toàn cầu bị tắc nghẽn bởi các chính sách khi nhiều nền kinh tế lớn hướng tới phát triển kinh tế bền vững hơn hậu đại dịch (ví dụ các chính sách nhằm giải quyết tình trạng phát thải khí carbon bằng cách điều chỉnh giá hàng hoá nhập khẩu) có thể ảnh hưởng đến các mô hình thương mại toàn cầu vốn đã được thiết lập từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, việc các chính phủ đẩy mạnh vay nợ nhằm chống đỡ lại các tác động kinh tế của đại dịch có thể khiến tình trạng bất ổn tài chính tăng lên. Lãi suất gia tăng sẽ gây áp lực lên cả nền kinh tế đi vay cũng như khu vực tư nhân, từ đó dẫn đến những tác động tiêu cực đến dòng chảy vốn đầu tư và dòng chảy thương mại quốc tế.

Cuối cùng, hành vi tiêu dùng thay đổi sau đại dịch COVID-19 (như du lịch quốc tế và dịch vụ khách sạn) có thể tồn tại lâu dài làm ảnh hưởng đến nhu cầu một số nhóm hàng hoá và dịch vụ được nhập khẩu.

Tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2021, song các động lực của thương mại toàn cầu có sự thay đổi. Sự phát triển của vaccine và các loại thuốc điều trị làm dấy lên hy vọng, trong khi địa chính trị, công nghệ và tính bền vững đóng vai trò quan trọng.

Việc triển khai hiệu quả vaccine, khả năng của chính phủ phản hồi nhanh chóng với các làn sóng và các biến thể mới làm giảm thiểu tác động dài hạn giúp thương mại toàn cầu sẽ vẫn kiên cường, tiếp tục phục hồi trong tương lai./.

>>>OPEC: Nhu cầu dầu sẽ vượt mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục