Thương mại trực tuyến: Giải pháp sáng tạo để phục hồi

05:30' - 17/05/2020
BNEWS Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt việc thiết lập 46 khu vực thí điểm để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thương mại trực tuyến: Giải pháp sáng tạo để phục hồi. Ảnh: TTXVN phát

Chính quyền địa phương nơi có những khu vực thí điểm này, sẽ phải áp dụng các phương pháp phát triển thương mại sáng tạo, cũng như phát triển các cơ chế thị trường để hình thành vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực.

Những biện pháp này, như đã lưu ý trong nghị định của Hội đồng Nhà nước, sẽ giúp ổn định hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế.

Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đại dịch COVID-19 có thể dẫn đến sự sụt giảm chưa từng thấy trong thương mại quốc tế kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo kịch bản lạc quan, năm 2020 thương mại thế giới sẽ giảm 13%, trong khi kịch bản tiêu cực nhất dự tính thương mại thế giới sẽ sụt giảm 32%.

Trong trường hợp này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể giảm 8,8%. Hiện giờ, đã có nhiều hàng hóa truyền thống, mà nửa năm trước có nhu cầu lớn, đang mất giá với tốc độ đáng kinh ngạc do nhu cầu toàn cầu giảm và hạn chế hậu cần liên quan đến các biện pháp kiểm dịch. 

Cụ thể, giá dầu trong tháng Tư vừa qua đã rớt xuống ngưỡng âm do chi phí vận chuyển và lưu giữ sản phẩm bắt đầu vượt quá giá trị thực. Trong khi đó, thị trường thép toàn cầu cũng đang bị ảnh hưởng. Doanh thu của các nhà sản xuất lớn nhất đã giảm gần 8% so với năm 2019.

Đối với hầu hết tất cả các mặt hàng, cả than hoặc chế phẩm dầu mỏ đều có sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi những hạn chế liên quan đến cuộc chiến chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới. 

Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn trong lĩnh vực hậu cần và du lịch. Airbnb Inc đang cắt giảm 25% nhân viên trên toàn thế giới do suy thoái trong ngành du lịch.

Theo World Travel & Tourism Council (WTTC), ngành du lịch, đóng góp đến 10% tăng trưởng GDP toàn cầu mỗi năm, có thể mất tới 50 triệu việc làm trên toàn thế giới do hậu quả của đại dịch. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân và doanh số bán lẻ. Hậu quả là, nền tảng thương mại quốc tế cũng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. 

* Xu hướng không thể tránh khỏi

Đối với Trung Quốc, xuất khẩu vẫn là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Để hồi sinh nền kinh tế nội địa và khôi phục nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc cần đưa ra một giải pháp sáng tạo và đó là kích thích thương mại điện tử.

Giải pháp này mang đến sự năng động hơn, ít bị ảnh hưởng bởi các hạn chế kiểm dịch và giúp giảm thiểu chi phí giao dịch.

Năm 2019, doanh số bán lẻ từ thương mại điện tử quốc tế tại Trung Quốc tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước đó - đạt mức 26,4 tỷ USD. Do đó, có thể nói kích thích thương mại quốc tế xuyên biên giới là một bước hợp lý để khôi phục hoạt động kinh tế và dòng hàng hóa trong môi trường mới.

Như Zhou Nianli, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu WTO của Đại học Kinh tế và Thương mại Quốc tế, đã nói với Sputnik rằng: "Tôi nghĩ điều này khá logic. Do bị phong tỏa trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều khu vực, bao gồm cả thương mại quốc tế, đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn rất phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Do đó, đổi mới thương mại chắc chắn sẽ giúp phục hồi kinh tế. Giao dịch trực tuyến là một xu hướng không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi giao dịch ngoại tuyến đang bị ảnh hưởng. Điều này cũng liên quan đến cả thương mại quốc tế".

Công ty thường trú của các khu thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ được hưởng lợi từ những lợi ích nhất định. Tài liệu của Hội đồng Nhà nước nói rằng các công ty sẽ được miễn thuế tiêu thụ (đặc biệt và thuế VAT) đối với hàng xuất khẩu xuyên biên giới bán lẻ.

Ngoài ra, thuế suất doanh nghiệp sẽ được giảm cho họ. Một số hỗ trợ nhất định từ phía nhà nước dự kiến sẽ tối ưu hóa các hoạt động nước ngoài, đặc biệt là việc xây dựng các cơ sở lưu kho ở các quốc gia khác. 

Trung Quốc, với tư cách là “người chơi” lớn nhất trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu, có thể góp phần cải thiện các cơ chế giao dịch mới bởi một hệ thống thương mại quốc tế, bao gồm trong khuôn khổ của WTO, đã được tạo ra từ nhiều năm trước và trong một số khía cạnh, có thể không đáp ứng được thực tế hiện đại của thương mại điện tử. 

Chuyên gia Zhou Nianli nói: “Vì xu hướng phát triển thực sự của nền kinh tế và thương mại là ngoại tuyến, nên các quy tắc hiện có, tất nhiên, có thể yêu cầu điều chỉnh, đặc biệt là liên quan đến ứng dụng.

Không loại trừ rằng có thể một số hình thức hoạt động giao dịch hoặc phân loại sản phẩm không được nhắc đến trong hệ thống hiện tại, điều đó có nghĩa là có một khoảng trống pháp lý. Do đó, những thay đổi trong định dạng kinh doanh chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi các quy tắc thương mại quốc tế.

Bây giờ chính WTO đang đàm phán về các quy tắc thương mại điện tử. Tôi tin rằng ngay cả khi dịch bệnh không xảy ra, thương mại điện tử vẫn sẽ phát triển - đây là một xu hướng khách quan. Đơn giản, dịch bệnh chỉ đẩy nhanh quá trình thích ứng các quy tắc và quy định hiện hành với thương mại điện tử”.

* Lấy doanh nghiệp vừa và nhỏ làm trọng tâm

Chuyên gia Zhou Nianli nói: “Trong bối cảnh đại dịch càn quét thế giới, chúng ta chắc chắn cần phải đẩy nhanh việc thiết lập một hệ thống thương mại quốc tế để đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử. Trong quá trình này, điều rất quan trọng là phải kích thích việc tạo thuận lợi cho thương mại điện tử, phát triển hợp tác quốc tế, bao gồm hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ, hoạt động tài chính, hậu cần…”

Thương mại điện tử là giao dịch trực tuyến giữa người mua và người bán. Điều này có nghĩa là cải thiện môi trường kinh doanh là rất quan trọng, bên cạnh việc tăng mức độ tin cậy giữa người mua và người bán và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bao gồm cả quyền riêng tư của họ. Chỉ như vậy mới có thể xây dựng môi trường giao dịch dựa trên niềm tin.

Không giống như cuộc khủng hoảng năm 2008 trước đây, khi Chính quyền Trung Quốc phân bổ gói ưu đãi trực tiếp chưa từng có cho các doanh nghiệp lớn và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn để duy trì tăng trưởng GDP. 

Lần này, Bắc Kinh nhấn mạnh vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này là hợp lý, bởi khu vực tư nhân cung cấp 60% tăng trưởng GDP và 80% việc làm. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị nói trên, tầm quan trọng của việc đảm bảo đủ số lượng việc làm và mức sống ổn định của người dân cũng được ghi nhận. 

Sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới cần hỗ trợ chính xác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi vì đối với họ, việc phát triển trực tuyến dễ dàng hơn bằng cách giảm chi phí giao dịch.

Chính quyền cũng sẽ giúp đỡ thông qua một số biện pháp về ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp nhỏ hết hạn trong năm nay được tự động gia hạn đến năm 2023. Đặc biệt, trong ba năm nữa, các tổ chức tài chính sẽ được miễn thuế thu nhập từ lãi đối với các khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục