"Vé thông hành" thời dịch COVID-19 tại Trung Quốc

07:30' - 14/05/2020
BNEWS Hiện nay, để bước vào các văn phòng, nhà hàng, công viên hay trung tâm thương mại ở Trung Quốc, người dân phải chứng minh tình trạng sức khỏe thông qua một ứng dụng.

Hiện nay, để bước vào các văn phòng, nhà hàng, công viên hay trung tâm thương mại ở Trung Quốc, người dân phải chứng minh tình trạng sức khỏe thông qua một ứng dụng, vốn được thiết kể để xác định liệu họ có phải là mối đe dọa liên quan tới virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hay không.

Khoảnh khắc mở ứng dụng khi đến một địa điểm thường khá căng thẳng. Nếu là đèn xanh, bạn sẽ được phép vào bất cứ nơi đâu, trong khi đèn vàng đồng nghĩa bạn có thể phải tự cách ly tại nhà. Còn nếu là đèn đỏ, bạn sẽ phải cách ly nghiêm ngặt trong 2 tuần tại một khách sạn.

Việc sử dụng ứng dụng công nghệ này để xác định tình trạng sức khỏe của người dân đã trở nên phổ biến trên khắp đất nước Trung Quốc. Nhiều người dân đã bày tỏ vui mừng khi hợp tác với chính phủ vì mục đích tốt đẹp hơn.

Debora Lu, một cư dân 30 tuổi ở thành phố Thượng Hải, chia sẻ: "Chúng tôi đang trong một tình thế đặc biệt với đại dịch COVID-19, do đó việc công khai các thông tin di chuyển không khiến tôi khó chịu. Tính mạng con người quan trọng hơn."

Có nhiều ứng dụng theo dõi tình trạng sức khỏe và lịch sử dịch tễ tại Trung Quốc, trong đó có một ứng dụng sử dụng các địa điểm GPS được các công ty viễn thông chia sẻ.

Ứng dụng này cho phép nhà chức trách truy dấu lịch sử đi lại của người dân trong 14 ngày, xem liệu họ có từng đến các khu vực được xem là có nguy cơ cao hay có tiếp xúc với người nào mắc COVID-19 không.

Những ứng dụng khác không sử dụng dữ liệu GPS mà dựa vào một nguồn thông tin thay thế. Thủ đô Bắc Kinh có chương trình "Bộ sức khỏe", hiển thị thông tin người dùng đã đi tàu hay máy bay, có đi qua chốt an ninh đường bộ vào thành phố không hoặc đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hay chưa. Cảnh sát, giới chức y tế và ủy ban khu phố trên khắp cả nước đã cung cấp thông tin cho ứng dụng này.

Tuy nhiên, tất cả các ứng dụng về cơ bản đều hoạt động theo cách giống nhau. Sau khi tải ứng dụng về, người dùng nhập tên, số thẻ căn cước, điện thoại và thậm chí cả ảnh.

Sau đó, họ được cung cấp một mã y tế theo màu. Các ứng dụng này đã trở thành một thứ thiết yếu khi di chuyển ở Trung Quốc, khi đặt vé tàu hay máy bay, hoặc tới những địa điểm công cộng, dù không phải tất cả mọi nơi đều yêu cầu "chiếc vé thông hành" này.

Chính quyền thành phố Bắc Kinh khẳng định những ứng dụng này "chỉ được sử dụng trong cuộc chiến chống đại dịch" và chỉ sử dụng họ và 2 số cuối của thẻ căn cước.

Giáo sư Thôi Hiểu Huy, làm việc tại Trung tâm Phân tích dữ liệu và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học Vũ Hán, cho biết có sự khác biệt giữa văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Hầu hết người dân đều sẵn lòng hy sinh chút riêng tư nếu điều đó thực sự vì sức khỏe của họ.

Đồng quan điểm, Lý Tống, một diễn viên 37 tuổi ở Thượng Hải, cho biết: "Chúng tôi đã rất hợp tác và không tranh cãi về việc sử dụng định vị ".

Ứng dụng của Lý Tống đã chuyển màu đỏ khi anh ta trở về từ Pháp và chuyển sang màu xanh khi anh kết thúc 2 tuần cách ly.

Theo thống kê, tính tới ngày 12/5, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 82.926 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.633 ca tử vong./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục