Thương mại và đầu tư Việt Nam sẽ hưởng lợi từ triển vọng kinh tế thế giới

06:30' - 07/01/2016
BNEWS Kinh tế thế giới có nhiều khả năng sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong tương lai, điều này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Mặc dù, kinh tế thế giới còn những rủi ro, nhưng triển vọng trong trung hạn là khá sáng sủa, kinh tế thế giới đã dần thoát khỏi tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và nhiều khả năng sẽ trở lại đà tăng ổn định trong thời gian tới.

Điều này sẽ là yếu tố tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Tín hiệu sáng của kinh tế thế giới sẽ tác động tích cực đến lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ảnh: TTXVN.

Những yếu tố quan trọng tác động đến tăng trưởng và ổn định kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020 là việc nâng cao hơn nữa hiệu lực thực thi chính sách trong đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và tận dụng tốt thời cơ hội nhập.

Về thương mại, Hiệp định tự do thương mại TPP được dự báo sẽ có tác động lan tỏa tích cực tới thương mại Việt Nam. TPP được dự báo sẽ mở ra triển vọng thương mại tốt hơn với Việt Nam, Việt Nam sẽ cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định.

Khi tham gia vào TPP, các hàng rào thuế quan sẽ được xóa bỏ điều này sẽ giúp ích cho cho xuất khẩu của Việt Nam. Cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, đồ gỗ và nông sản cũng rất lớn.

Thêm vào đó, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, Chính phủ cần có chính sách kinh tế thương mại toàn diện để tận dụng những cơ hội này và hạn chế những thách thức đối với nền kinh tế, trong đó trú trọng đến việc giảm nhập khẩu hàng nhóm hàng trung gian, đặc biệt là nhóm hàng bán thành phẩm, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp và tình hình căng thẳng Biển Đông có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai cũng sẽ có tác động không nhỏ tới nền kinh tế thế giới nói chung và tới kinh tế Việt Nam nói riêng.

Mặt khác, trong bối cảnh đồng USD sẽ tiếp tục lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, về phía nền kinh tế Việt Nam, do tỷ giá được neo giữ với đồng USD nên cũng được dự báo là sẽ tăng giá nhẹ so với đồng USD, điều này đương nhiên sẽ gây khó khăn cho hoat động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Về đầu tư, triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt, môi trường đầu tư ngày càng được thuận lợi hóa và việc Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các hiệp định tự do hóa thương mại và đầu tư song phương và đa phương dự báo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cả dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI và dòng vốn đầu tư gián tiếp vào trong nước trong những năm tới.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hốt vốn FDI trong đó, cần phải có các chính sách ưu tiên thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ sạch, dịch vụ…

Về lao động việc làm, những bất ổn chính trị ngày càng căng thẳng tại Trung Đông, các nước EU và Nga, căng thẳng tại biển Đông sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam trong thời gian tới./.

TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới và cộng sự, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục