Kinh tế Việt Nam 2016 sẽ khó khăn nhiều hơn thuận lợi

19:42' - 26/12/2015
BNEWS Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Năm 2016, sẽ có những khó khăn và thách thức do chịu tác động từ những thách thức của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và giá dầu thô giảm.
Kinh tế Việt Nam năm 2016 được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm nay do các tác động từ kinh tế thế giới và tiến trình hội nhập. Ảnh: TTVXN

Một chu trình kinh tế mới đang dần hiện ra ngay từ năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020. "Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi Việt Nam sẽ phải đốt mặt với không ít khó khăn, thách thức đặt ra nhiệm vụ khá nặng nề." - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận.

Năm 2016, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ có những cơ hội tốt từ quá trình hội nhập quốc tế, kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Bức tranh kinh tế có nhiều khởi sắc

Sau cả chặng đường dài hơn 3 năm (2011-2013), kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng thấp và chủ yếu là dồn sức cho ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, từ năm 2014, kinh tế bắt đầu phục hồi và cũng là năm đầu tiên, Việt Nam đã vượt qua mốc chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế do Quốc hội thông qua.

Đặc biệt, trong năm 2015, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ngày càng ổn định và lấy lại được đà tăng trưởng khá cao. Năm 2015, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,68% so với năm 2014; cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và mức tăng trưởng này cao nhất trong giai đoạn 2011-2015.

Mức tăng trưởng năm 2015 cao hơn năm ngoái cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Ảnh: TTXVN

Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm cho biết, mức tăng trưởng năm 2015 cao hơn mức tăng 5,98% của năm 2014 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

“Về tổng thể chúng ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cân đối lớn được đảm bảo; lạm phát thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ số niềm tin được tăng cao; những ngành lĩnh vực trọng yếu đều đạt mức tăng trưởng tốt … là những điểm nổi bật trong năm 2015”, Tổng cục trưởng nhận định.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, nhờ những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất và sự cải thiện của tổng cầu, khu vực công nghiệp và xây dựng đã tăng trưởng mạnh mẽ. Ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 với mức tăng 9,64% so với năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm 2014; khu vực này trở thành khu vực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xuất khẩu cũng đang là điểm sáng của nền kinh tế, với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 15/12/2015, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.

Nổi bật, ngay sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng tới 50-60% so với thời gian trước. Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601.000 tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014.

Năm 2015, CPI bình quân tăng 0,63% so với bình quân năm 2014, mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây, chủ yếu là do yếu tố giảm giá của thế giới, tác động vào Việt Nam và cũng kiến tạo nên sự ổn định đối với tổng cầu của nền kinh tế. Lạm phát thấp làm tăng giá trị của Việt Nam đồng và không làm giảm thu nhập của người dân.

“Có thể nói những khó khăn của những năm trước đây đang từng bước được khắc phục, từng bước được cải thiện khiến cho bức tranh kinh tế của năm 2015 khá đồng đều”. - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Mặc dù, bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2015 nhưng Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm vẫn nhận định, năm 2016, sẽ có những khó khăn và thách thức. Trước mắt, nếu như giá dầu thô tiếp tục giảm xuống 30$, 35$/thùng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế như thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm .

Tuy nhiên giá dầu giảm giúp kinh tế trong nước phát triển, giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng nói riêng và GDP nói chung, từ đó các khoản thu từ sản xuất trong nước tăng sẽ bù đắp phần thiếu hụt từ thu từ dầu thô.

Năng suất lao động ở mức thấp sẽ tạo ra rào cản cho Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.  Ảnh: TTXVN

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ cho biết, nếu giá điện được điều chỉnh, điều này sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất. Điều chỉnh này không làm tăng bên cung của nền kinh tế, không kích thích sản xuất, làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, chính sách tỷ giá đã được điều hành tương đối linh hoạt song vẫn đang chịu sức ép khá lớn từ các yếu tố bên ngoài như FED có khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, tâm lý thị trường và nhập siêu. Không những thế, tác động của thực thi các Hiệp định thương mại với lộ trình thuế xuất bằng 0% sẽ làm tăng nhập khẩu, cạnh tranh trong nước mạnh hơn. Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước c òn yếu, dẫn tới nhập siêu và sức ép vào cung ngoại tệ và tỷ giá.

Mặc dù, năng suất lao động tăng cao trong năm 2015, song vẫn ở mức thấp trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động tăng chủ yếu vẫn dựa vào thay đổi cơ cấu ngành kinh tế, năng suất của từng ngành vẫn tăng chậm.

Bà Lê Thị Minh Thủy cũng nhận định, trong năm 2016, khi một số mặt hàng dịch vụ như y tế, giáo dục, điện… được điều chỉnh tiến tới theo giá thị trường, tránh bù lỗ, cũng sẽ tác động không nhỏ tới chỉ số giá, điều này không kích thích được bên sản xuất và sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm.

Tập trung mọi nguồn lực để phát triển

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm dự báo, nhìn chung tình hình kinh tế năm 2016 sẽ có khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Để đạt được Nghị quyết của Quốc hội đặt ra trong năm 2016 như tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%; lạm phát dưới 5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%; nhập siêu dưới mức 5% kim ngạch xuất khẩu , những giải pháp quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung quan tâm là các vấn đề vĩ mô của nền kinh tế.

Những bất ổn về kinh tế vĩ mô vẫn còn rất lớn đối với Việt Nam trong năm 2016. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Theo Bộ này, về cơ bản các chỉ số đã ổn định nhưng những bất ổn về kinh tế vĩ mô còn rất lớn và vẫn rình rập. Đó là nợ công, nếu không kiểm soát tốt thì nợ công đang ở mức trần cho phép và sẽ dễ dàng vượt qua, gây ra hậu quả. Tiếp đến là nợ xấu của ngân hàng cũng vẫn là rào cản cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để mở rộng và phát triển sản xuất…

Để giải quyết thách thức trên, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Việt Nam cần tăng năng suất lao động của quốc gia và lấy năng suất lao động làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Và để tăng năng suất lao động, Việt Nam cần dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực năng suất cao, các ngành công nghiệp, các ngành dịch vụ năng suất cao.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta cần tập trung mọi biện pháp, nguồn lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo mô hình mới, có chiều sâu và dựa trên nền tảng là sáng tạo, ứng dụng khoa học-kỹ thuật và năng suất lao động. Tất cả nhằm sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao nhưng chỉ sử dụng ít nguyên liệu đầu vào.

Tạo thêm các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển là điều cần thiết trong hiện tại và thời gian tới. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích cho những doanh nghiệp non trẻ. Đó là những về vấn đề tín dụng, quỹ hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tiếp đến cần thông tin cho doanh nghiệp và tiếp cận cho họ thị trường. Những vấn đề này, Nhà nước có vai trò rất quan trọng. Cùng với đó là sự đồng hành, bảo vệ doanh nghiệp.

Khắc phục những khó khăn trong nền kinh tế hiện nay, TS. Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, bảo đảm an toàn hệ thống.

Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách kiểm soát lạm phát trong bối cảnh điều chỉnh giá của một số loại dịch vụ công và mặt hàng chiến lược theo giá thị trường. Trong năm 2016, giá điện, giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ được điều chỉnh tăng.

Yếu tố được xem là quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các năm tới, đặc biệt là năm 2016, năm đầu tiên của kế hoạch 2016 - 2020 là quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Năm 2015, với việc kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á- Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đưa tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia lên 14. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31/12/2015 sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam tiếp cận vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khi các Hiệp định thương mại bắt đầu có hiệu lực, hội nhập sẽ làm tăng canh tranh gay gắt hơn. Do đó, doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh nhiều, nếu không hàng hóa vào Việt Nam nhiều ta sẽ khó cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước.

“Hội nhập không những thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư FDI, mà còn có thúc đẩy đổi mới thể chế, vì khi Việt Nam đã cam kết với thế giới thì Việt Nam phải sửa đổi các quy định pháp luật để phù hợp với cam kết quốc tế”. - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục