Thương mại Việt–Trung liên tục tăng trưởng

17:12' - 30/06/2017
BNEWS Ngày 30/6 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông)”.

Sự kiện thu hút đại diện lãnh đạo một số bộ, ban ngành; chính quyền tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) và Ủy ban xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc phân hội tỉnh Sơn Đông.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, dưới sự nỗ lực của hai bên, kim ngạch thương mại song phương không ngừng phát triển. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam về các mặt hàng như máy tính và linh kiện, cao su thiên nhiên, than và gạo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2016, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 71,9 tỷ USD, tăng gần 8% so với năm 2015; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,97 tỷ USD, tăng 28,4%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 49,93 tỷ USD, tăng gần 1%; nhập siêu 27,96 tỷ USD, giảm 13,67% so với năm 2015.

Hết tháng 5 năm 2017, thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt – Trung đạt 32,7 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2016; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 10,6 tỷ USD, tăng 41,9%; nhập khẩu 22,1 tỷ USD, tăng 16,4%;

Về đầu tư, tính đến hết tháng 5/2017, Trung Quốc là đối tác đầu tư đứng thứ 8/119 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.683 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,6 tỷ USD, đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, năng lượng, bất động sản và các lĩnh vực khác như dệt may, điện tử, dịch vụ...

Ông Khương cho hay, tọa đàm này được tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau. Chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu tỉnh Sơn Đông gồm 10 công ty của tỉnh chuyên sản xuất và kinh doanh về phần mềm tin học điện toán đám mây, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu hàng hóa và kỹ thuật, ống thép các loại, van, thiết bị điện lực, hàng nông sản (các loại đậu đỏ, xanh, lạc, vừng), năng lượng mới, bình nước nóng năng lượng mặt trời, năng lượng xanh, máy cẩu xây dựng (nghiên cứu, chế tạo, lắp rắp, bảo hành...), máy móc cơ khí công trình (máy phay và máy khoan, máy hàn, máy cắt...) linh kiện ô tô xe máy...

Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ giao lưu trực tiếp, tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác với tỉnh Sơn Đông.

Cũng tại buổi tọa đàm, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đặng Xuân Quang đã đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư giữa hai nước.

Theo đó, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và của tỉnh Sơn Đông nói riêng đầu tư nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử và sản xuất hàng tiêu dùng với các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Việt Nam có nhu cầu lớn và định hướng thu hút nguồn vốn tư nhân vào các dự án trọng điểm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hạ tầng đô thị... theo các hình thức hình thức hợp tác công - tư (PPP). Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...) đủ sức hấp dẫn, cũng như sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục