“Thượng tôn” khách hàng trong kinh tế thị trường

07:21' - 02/03/2016
BNEWS Theo các chuyên viên phân tích kinh doanh, đầu tiên và căn bản nhất là doanh nghiệp cần định vị cho đúng vai trò và ứng xử của mình với một thái độ thượng tôn khách hàng.

Tại một diễn đàn về phát triển mô hình nhà ở xã hội, tôi có dịp được gặp lại Kiến trúc sư trưởng Nguyễn Hồng Hải thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH Một thành viên Becamex IDC (Bình Dương).

Những khu chung cư khang trang dành cho công nhân làm việc tại nhà máy điện thoại Samsung Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Nhiều năm trước, anh là người có ý tưởng về các công trình nhà ở cho công nhân với diện tích siêu nhỏ nhưng đa tiện ích và đột phá về giá thành, từng gây bất ngờ lớn đối với giới xây dựng, các quan chức và chuyên gia trong cùng lĩnh vực.

Ngạc nhiên là cả khi thị trường bất động sản đóng băng thì các dự án về nhà ở cho công nhân của Becamex IDC vẫn được khai thác hiệu quả, đem lại nguồn thu cho doanh nghiệp, tăng nộp ngân sách Nhà nước và giúp hàng trăm nghìn người lao động tại tỉnh Bình Dương an cư – lạc nghiệp.

Chia sẻ bí quyết thành công, anh Hải cho biết, “qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, nhà ở xã hội thường được thực hiện bởi những người giàu.

Họ lấy tư duy của người giàu để xây dựng nhà cho người thu nhập thấp, vì thế họ không hiểu được nhu cầu, mong muốn phù hợp với người ở nên dễ dẫn đến thất bại”.

Nhận định của anh khiến tôi suy nghĩ về quan điểm kinh doanh và thái độ ứng xử của đa phần doanh nghiệp hiện nay trong nền kinh tế, đang có những bước chuyển mình và đổi mới theo thể chế thị trường. Thực tế là không nhiều doanh nghiệp thành công bởi những quan điểm đúng đắn như Becamex IDC đã làm.

Lâu nay, dường như doanh nghiệp chưa quen với tâm lý mình là người phục vụ. Thậm chí, đâu đó nhiều doanh nghiệp vẫn quen với lối ứng xử “có gì bán nấy” và “cho gì dùng nấy”… xuất phát từ nhận thức sai lầm về chỗ đứng của mình trong các giao dịch thương mại và dẫn tới hành xử thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng, với khách hàng – người vẫn mang danh xưng là thượng đế.

Nhiều điển hình đã minh chứng cho điều này. Trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ việc nghiên cứu thị trường, nắm bắt tâm lý tiêu dùng mà chỉ sản xuất theo thói quen với năng lực cơ bản, thiếu đầu tư về vốn, về trình độ và thiết bị, công nghệ.

Trong kinh doanh thương mại, không ít doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng chất kích thích, chất có nguy cơ gây ung thư, chất dễ gây cháy, nổ và không đảm bảo an toàn ... bất chấp sự an nguy tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng và cả cộng đồng.

Một khu nhà ở công nhân của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Đài Loan - Trung Quốc) tại KCN Quế Võ. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Trong dịch vụ, còn không ít doanh nghiệp thiếu tôn trọng quyền lợi của khách hàng, thậm chí lừa đảo, bắt chẹt. Nhiều trường hợp, khách hàng bị gài bẫy và bị xử ép.

Đương nhiên, những doanh nghiệp ấy không nằm ngoài quy luật đào thải của thị trường, nhất là trong bối cảnh, nền kinh tế đang ngày càng mở cửa để hội nhập với thế giới như hiện nay.

Ông Lê Đăng Minh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Toàn Mỹ nhận định, từ trước tới nay, vai trò và vị thế của khách hàng nói chung và người tiêu dùng nói riêng chưa được đánh giá đúng.

Bởi thế mới có tình trạng doanh nghiệp và nhà sản xuất bị dư thừa và ế ẩm sản phẩm hàng hóa; mới có những câu chuyện như sự tẩy chay của cộng đồng xã hội hay sự lên án và quay lưng của người tiêu dùng, của các nhà phân phối đối với những sản phẩm thuộc nhãn hàng Tân Hiệp Phát như thời gian qua.

Bình luận về quan điểm kinh doanh của đa phần các doanh nghiệp hiện nay, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiểu theo bất kỳ nghĩa nào thì một nền kinh tế sẽ chỉ thực sự phát triển bền vững khi bên trong đó luôn có những doanh nghiệp chân chính, luôn hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ vì lợi ích cá nhân, mà còn đem lại những lợi ích lâu dài cho cộng đồng xã hội và vì các thế hệ tương lai sau này. Vấn đề này thuộc phạm trù đạo đức mà mỗi doanh nghiệp cần nhận thức và phải hành động cho đúng.

Vẫn biết rằng, đông đảo doanh nghiệp đã có sự chuyển biến về thái độ và cung cách phục vụ, đã có tư duy đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Song nhiêu đó vẫn là chưa đủ, nhất là với những doanh nghiệp có tầm nhìn và hướng tới mục tiêu hội nhập và hội nhập sâu hơn, rộng hơn với các nền kinh tế thế giới.

Theo các chuyên viên phân tích kinh doanh, để làm được điều đó, đầu tiên và căn bản nhất là doanh nghiệp cần định vị cho đúng vai trò và ứng xử của mình với một thái độ thượng tôn khách hàng.

Trong một nền kinh tế cần sự sòng phẳng và cạnh tranh bằng thực lực, doanh nghiệp sẽ không thể tạo dựng được uy tín, thương hiệu và chỗ đứng của mình trên thị trường; không thể nắm lấy cơ hội phát triển và vươn xa hơn… nếu thiếu niềm tin, sự trân trọng và thiếu sự hài lòng của khách hàng, cũng như toàn xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục