Thượng viện Mỹ đã không thể đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump về Yemen

13:43' - 03/05/2019
BNEWS Với 53 phiếu thuận và 45 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 2/5 đã không thể đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump phủ quyết một nghị quyết được lưỡng viện Quốc hội thông qua trước đó về Yemen.

Do chưa hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết, với chỉ 53 phiếu thuận và 45 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 2/5 đã không thể đảo ngược quyết định của Tổng thống Donald Trump phủ quyết một nghị quyết được lưỡng viện Quốc hội thông qua trước đó nhằm chấm dứt hỗ trợ quân sự của Washington đối với cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen.

Trước đó, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết chấm dứt sự can dự của Washington trong cuộc chiến do liên quân Arab tiến hành tại Yemen nhằm ngăn chặn phiến quân Houthi. Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Tổng thống Donald Trump "rút các lực lượng vũ trang Mỹ khỏi tình trạng đối đầu hoặc tác động tới Yemen trong vòng 30 ngày".

Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ quyết nghị quyết trên. Theo ông chủ Nhà Trắng, nghị quyết này là một nỗ lực "không cần thiết, nguy hiểm", làm suy yếu thẩm quyền của ông theo quy định của Hiến pháp, cũng như đe dọa tới cuộc sống của công dân và các quân nhân Mỹ cả trong hiện tại và tương lai.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu này giúp các nghị sĩ có cơ hội thứ 2 để phát đi một thông điệp đúng đắn liên quan đến các cam kết của Mỹ với các đối tác trong khu vực, các sứ mệnh nhân đạo quan trọng và truy quét tổ chức khủng bố Al-Qaeda ra khỏi bán đảo Arab.

Trong khi đó, lâu nay, các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn cho rằng việc Mỹ liên quan đến cuộc xung đột Yemen, thông qua việc chia sẻ tình báo, hỗ trợ logistic, là vi hiến.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bernie Sanders, ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua tranh chức tổng thống Mỹ vào năm 2020 và là một trong những người đưa ra nghị quyết, được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, cho rằng việc đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Trump có thể giúp cứu sống hàng nghìn người.

Các nghị sĩ ủng hộ nghị quyết này cho rằng Chính phủ Saudi Arabia đã vượt qua giới hạn trong cuộc chiến tại Yemen khi chiến dịch quân sự do Riyadh tiến hành đã khiến số dân thường thiệt mạng không ngừng tăng cao.

Cùng ngày, một nguồn tin quân sự giấu tên của Yemen cho biết 12 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc giao tranh dữ dội giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân Houthi ở tỉnh al-Dhale, miền Nam nước này.

Theo nguồn tin trên, các cuộc giao tranh trên xảy ra tại một số khu vực bên ngoài huyện Qataba, phía Tây tỉnh al-Dhale. Trong số những người thiệt mạng có chỉ huy tiểu đoàn quân cảnh số 4 ở tỉnh al-Dhale.

Nguồn tin trên cho biết các máy bay chiến đấu của liên minh quân sự Arab, do Saudi Arabia đứng đầu, đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm yểm trợ cho các lực lượng chính phủ ở Qataba.

Trong khi đó, theo người dân địa phương, hiện giao tranh dữ dội vẫn đang xảy ra ở Qataba khi cả 2 bên đều sử dụng vũ khí hạng nặng nhằm giành quyền kiểm soát huyện quan trọng này.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi, khiến cho xung đột leo thang.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết xung đột kéo dài hơn 4 năm qua tại Yemen đã kéo lùi sự phát triển của nước này tới 21 năm, và quá trình phục hồi sẽ phải mất hàng thập kỷ. Theo UNDP, nếu xung đột tại Yemen chấm dứt vào năm 2022, sự phát triển của nước này bị kéo lùi 26 năm. Nếu tiếp diễn đến năm 2030, xung đột sẽ kéo lùi phát triển của Yemen tới 4 thập kỷ.

Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy cuộc xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, đồng thời khiến quốc gia Trung Đông này chìm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới với hơn 80% dân số - khoảng 24 triệu người - phải sống trong cảnh khốn khó cần được cứu trợ nhân đạo./.

Xem thêm:

>>Tổng thống Mỹ phủ quyết dự luật ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

>>Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục