Thương vụ lịch sử của chứng khoán Trung Quốc

06:30' - 02/10/2024
BNEWS Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của kế hoạch hợp nhất các công ty môi giới chứng khoán nhà nước, với động thái sáp nhập hai thực thể là công ty chứng khoán Guotai Junan và Haitong.
Động thái sáp nhập hai công ty chứng khoán lớn là Guotai và Haitong, nhằm mục đích tạo ra một công ty dẫn đầu toàn ngành với tổng tài sản gần 230 tỷ USD thông qua việc hoán đổi cổ phiếu, đã được hai công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) và Thượng Hải công bố hồi đầu tháng Chín vừa qua.

Hiện thỏa thuận vẫn phải chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng thỏa thuận đã được cơ quan quản lý Thượng Hải “bật đèn xanh” và là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm hợp nhất ngành công nghiệp trị giá 1.700 tỷ USD, trong bối cảnh thị trường tài chính nước này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Giới phân tích và học giả Trung Quốc đang tranh luận về giá trị và rủi ro từ vụ sáp nhập hai công ty chứng khoán hàng đầu Trung Quốc. Theo trang mạng caixin.com, động tháo này sẽ tạo ra một “gã khổng lồ” chứng khoán, có khả năng cạnh tranh với các đối thủ “nặng ký” toàn cầu, như Morgan Stanley và Goldman Sachs Group Inc.

Cuộc hợp nhất của hai công ty chứng khoán

Kế hoạch sáp nhập giữa Guotai Junan và Haitong, được công bố hồi đầu tháng 9/2024. Tiếp theo, vào ngày 26/9, Guolian tiếp tục công bố các điều khoản của thỏa thuận mua lại công ty chứng khoán Minsheng, một công ty chứng khoán khác cũng ở Thượng Hải. Đáng chú ý, kế hoạch mua lại Minsheng đã được Guotai Janan công bố từ tháng 6/2024. Chính điều này đã châm ngòi cho các bàn luận từ giới chuyên gia và các nhà quan sát.

 
Thương vụ Guotai Junan – Haitong, sau khi hoàn tất, sẽ là vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đầu tiên của Trung Quốc trong lĩnh vực chứng khoán, kể từ khi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh kêu gọi cải cách và tái cấu trúc trong lĩnh vực môi giới tài chính - nơi hơn 140 công ty Trung Quốc và nước ngoài đang cạnh tranh.

Giao dịch cổ phiếu của Guotai Junan và Haitong đã bị đình chỉ bắt đầu từ ngày 28/9. Cả Haitong và Guotai Junan đều do các công ty quản lý tài sản nhà nước cho chính quyền Thượng Hải kiểm soát.

Triển vọng của thỏa thuận

Ngành tài chính – chứng khoán tại cường quốc lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn khi lợi nhuận liên tục giảm và hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) yếu.

Công ty chứng khoán Huatai, trong một báo cáo phân tích mới đây, cho biết quá trình hợp nhất lĩnh vực môi giới tài chính của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc, tập trung vào các công ty được các cổ đông nhà nước hậu thuẫn.

Vấn đề là Haitong, mặc dù là công ty chứng khoán nhà nước, nhưng đang gặp một số khúc mắc về tài chính và việc tuân thủ quy định. Hơn nữa, lịch sử thành công của các vụ sáp nhập công ty chứng khoán tại Trung Quốc rất thấp. Điều này khiến một số nhà phân tích trong ngành đặt câu hỏi về việc liệu hai công ty chứng khoán hàng đầu sẽ làm thế nào để đem lại hiệu quả vượt trội sau khi sáp nhập.

"Sáp nhập luôn có vẻ dễ dàng trên giấy tờ, nhưng làm cho 1+1 được nhiều hơn 2 là điều thách thức thực sự", một giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty môi giới cho biết, "nhân sự, thể chế và tài sản đều cần phải được tái cơ cấu, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn".

Một kế hoạch sơ bộ phác thảo chi tiết về việc sáp nhập dự kiến sẽ được công bố sau kỳ nghỉ Quốc khánh 1/10 của Trung Quốc. Điều này có thể bao gồm giá và các điều khoản hoán đổi cổ phiếu mới mà Guotai Junan sẽ phát cho các cổ đông Haitong ở Thượng Hải và Hong Kong.

Phép thử của thị trường

Đây sẽ là vụ sáp nhập lớn nhất giữa hai công ty chứng khoán đã niêm yết của Trung Quốc cho đến nay. Quá trình này sẽ phức tạp và có tác động hết sức sâu rộng. Theo các nhà phân tích tại Citic Securities Co. Ltd., liên minh này sẽ là một thử nghiệm về các vấn đề trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc hoán đổi cổ phần liên quan đến thỏa thuận giữa hai doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn sẽ được định giá như thế nào, cơ chế hủy niêm yết như thế nào,...

Trung Quốc sở hữu một trong những thị trường vốn lớn nhất thế giới tính theo giá trị, nhưng thị trường trái phiếu và chứng khoán của nước này vẫn nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Ngay cả các công ty chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc cũng có độ chuyên nghiệp thấp hơn so với các ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ như JPMorgan Chase & Co., Goldman Sachs hay Morgan Stanley. 

Citic Securities hiện là công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc tính theo tổng tài sản, được định giá 205,2 tỷ USD tính đến cuối năm ngoái. Con số này quá nhỏ bé so với 1.640 tỷ USD của Goldman Sachs và 3.880 tỷ USD của JPMorgan Chase.

Sự khác biệt này một phần là do Luật Ngân hàng Thương mại năm 1995 của Trung Quốc giữ cho chứng khoán và hoạt động ngân hàng thương mại tách biệt, trong khi các ngân hàng đầu tư ở Mỹ có thể hoạt động trên cả hai lĩnh vực. Khoảng cách này cũng một phần là hệ quả của các môi trường pháp lý, cơ cấu sở hữu và mô hình kinh doanh khác nhau.

Các công ty chứng khoán Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các hoạt động trong nước như môi giới, giao dịch tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn cho các đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu trong nước, cùng với các dịch vụ quản lý tài sản cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các công ty chứng khoán Trung Quốc tham gia hạn chế vào thị trường nước ngoài. Ngược lại, các ngân hàng đầu tư của Mỹ có phạm vi hoạt động toàn cầu, cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn và chủ yếu phục vụ khách hàng tổ chức hơn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương, một cuộc họp hai lần trong 10 năm được tổ chức để quyết định các chính sách phát triển của lĩnh vực tài chính, đã tuyên bố vào tháng 10/2023 là sẽ "thúc đẩy các ngân hàng và tổ chức đầu tư hạng nhất". Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng đã cam kết ủng hộ các công ty cải thiện khả năng cạnh tranh của họ. Ủy ban hứa hẹn hỗ trợ các công ty chứng khoán hàng đầu tái cấu trúc hoặc tiến hành sáp nhập - mua lại để thực hiện các cam kết của Hội nghị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục