Thương vụ Polestar báo hiệu điều gì cho ngành công nghiệp xe điện toàn cầu?

05:30' - 18/02/2024
BNEWS Động thái nhà sản xuất ôtô Trung Quốc Geely tiếp quản công ty xe điện Polestar là thương vụ sáp nhập mới nhất, báo hiệu sự chuyển đổi có thể xảy ra trong ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.
Tờ The Globe and Mail (Canada) vừa đăng bài phân tích cho rằng những rắc rối hiện nay của thương hiệu Polestar thuộc hãng xe Volvo đang báo hiệu về một thời điểm chuyển đổi đối với ngành công nghiệp xe điện.

Theo bài báo, sự chuyển đổi trong ngành công nghiệp xe điện toàn cầu đang tăng tốc. Động thái của nhà sản xuất ôtô Trung Quốc Geely tiếp quản công ty xe điện Polestar của Volvo Cars là thương vụ sáp nhập mới nhất giữa các thương hiệu xe điện, kể từ sau đột biến tài chính lịch sử mà Tesla Inc có được vào đầu những năm 2020.

Tesla đã tận dụng nguồn vốn giá rẻ, những đột phá về công nghệ và uy tín của chính nhà sáng lập Elon Musk để đạt tới mức giá trị 1.000 tỷ USD. Nhưng hiện tượng “chi mạnh tay” nhằm tạo ra tiếng vang và lợi nhuận lớn chỉ diễn ra trong vài năm. Giờ đây, các nhà sản xuất ô tô truyền thống, công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư, mặc dù đã đặt cược hơn 1.200 tỷ USD vào xe điện, nhưng đang phải đối mặt với những quyết định ngày càng khó khăn hơn để cắt lỗ.

Polestar là một ví dụ điển hình. Những khó khăn mà hãng này và những “tay chơi” khác nhỏ hơn phải đối mặt đã cho thấy các khoản chi phí khổng lồ trong việc phát triển xe điện, vốn chỉ có lợi cho các công ty sở hữu nguồn vốn dồi dào và có khả năng chịu đựng được tình trạng "chảy máu tài chính" kéo dài. Sự suy giảm về nhu cầu xe điện trên toàn cầu giờ đây có thể loại bỏ những đối thủ yếu hơn hoặc tạo ra một làn sóng hợp nhất.

Quyết định ngừng đầu tư vào Polestar của Volvo được đưa ra sau khi thương hiệu xe điện hạng sang này thua lỗ và không đạt được mục tiêu bán hàng trong năm 2023, vốn đã được nhiều lần điều chỉnh giảm xuống.

Polestar cần thêm 1,3 tỷ USD tài trợ trước khi đạt được điểm hòa vốn vào năm 2025. Cổ phiếu của công ty đã giảm 87% kể từ khi ra mắt hồi tháng 6/2022, làm hạn chế khả năng huy động nguồn vốn mới.

 
Geely, một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc, đã bán được gần 2,8 triệu xe trong năm 2023, gấp gần 4 lần số lượng xe của Volvo. Chủ tịch Li Shufu của Geely đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu từ Trung Quốc, đồng thời đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô của các thương hiệu, bao gồm các nhãn hiệu của phương Tây như Volvo, Smart and Lotus. Và với việc kiểm soát hoàn toàn Polestar, Geely có thể hợp lý hóa hoạt động đầu tư và chia sẻ công nghệ.

Các công ty khởi nghiệp xe điện khác, gồm Rivian, Fisker, Arrival, Xpeng và Lucid đều đang phải vật lộn với chi phí mở rộng quy mô. Đầu tháng trước Fisker đã phải đàm phán lại về các điều khoản của một thỏa thuận nợ nhằm cho phép công ty này có được một đối tác chiến lược.

Tesla cũng đang phải vật lộn với thứ mà tỷ phú Musk gọi là “địa ngục của sản xuất”. Sự nhiệt tình của thị trường vốn đối với xe điện đã nguội dần khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại và tổn thất tài chính chồng chất. Điều đó đã rút ngắn “đường bay” của các công ty khởi nghiệp thua lỗ và thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô truyền thống phải tìm kiếm thêm trợ cấp.

Cảnh báo của ông Musk hồi tuần trước về tốc độ tăng trưởng của Tesla sẽ chậm lại trong năm nay khiến các nhà đầu tư rút lại 80 tỷ USD giá trị thị trường của công ty này chỉ trong một ngày. Tesla đã mất hơn 40% giá trị kể từ khi đạt mốc 1 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường vào năm 2021.

Cuộc chiến về giá cả giữa Tesla và công ty dẫn đầu doanh số bán xe điện của Trung Quốc BYD bắt đầu từ năm ngoái đã buộc các đối thủ yếu hơn trong ngành xe điện phải lựa chọn giữa thua lỗ nặng hơn hoặc doanh số bán hàng thấp hơn.

Mùa Hè năm 2023, Ford từng tăng cường sản xuất loại F-150 Lightning, với dự báo về nhu cầu mạnh mẽ. Tuy nhiên, hãng này đã phải cắt giảm một nửa dự báo sản lượng vào đầu năm nay. Tại châu Âu, hãng Stellantis đã phải yêu cầu trợ cấp thêm từ Chính phủ Italia để tăng cường sản xuất xe điện tại các nhà máy của Fiat.

Khi ngành công nghiệp xe điện ngày càng trở nên gần hơn với học thuyết Darwin, các nhà đầu tư đã tỏ ra ủng hộ những công ty muốn giảm chi tiêu.

Cổ phiếu của Volvo đã tăng hơn 30% sau khi công ty rút tài trợ của họ đối với Polestar. Các nhà đầu tư cũng mừng vui hơn khi Renault cho biết, họ sẽ không tiếp tục đợt chào bán cổ phiếu cho thương hiệu xe điện Ampere của mình.

Cổ phiếu của General Motors đã tăng gần 50% kể từ tháng 11/2023 khi Giám đốc điều hành Mary Barra giảm chi tiêu cho xe điện và xe tự lái, đồng thời triển khai chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 10 tỷ USD. Nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley nhận định rằng General Motors đã nhận thấy “việc chi 36 triệu USD mỗi ngày để cố gắng trở thành một Tesla nữa là không có hiệu quả”.

Làn sóng hợp nhất không phải là mới đối với ngành công nghiệp ôtô thường phải sử dụng rất nhiều vốn. Vào đầu thế kỷ XX, rất nhiều doanh nhân Mỹ và châu Âu đã cố gắng kiếm tiền nhờ lời hứa về công nghệ của động cơ đốt trong thời đó. Tuy nhiên, ngoài Henry Ford đã có hàng chục nhà sáng lập công ty xe hơi khác thất bại hoặc bị nuốt chửng bởi những đối thủ lớn hơn, có vốn nhiều hơn.

Động thái hợp nhất Polestar của Geely thể hiện con đường phía trước đối với các công ty khởi nghiệp xe điện là rất khó khăn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục