Thủy điện với mùa mưa bão – Bài cuối: Vai trò quan trọng từ địa phương

10:23' - 18/08/2018
BNEWS Đến thời điểm này, các Công ty Thủy điện thuộc EVN quản lý đã hoàn tất các công tác chuẩn bị ứng phó trong mùa mưa lũ năm 2018 theo quy định.
Chỉ dẫn cho chính quyền địa phương nắm được các mốc cảnh báo lũ phía hạ lưu Thủy điện Buôn Tua Srah. Ảnh: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) Đỗ Minh Lộc cho biết, để triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) đối với các công trình thủy điện hiệu quả thì vai trò của các cơ quan chức năng và địa phương là rất quan trọng.

Do vậy, với trách nhiệm là Chủ đập, Công ty thông báo kịp thời lưu lượng xả lũ, mực nước hồ chứa cho các cơ quan PCTT & TKCN địa phương vùng hạ du và các ban, ngành có liên quan theo đúng quy trình khi tiến hành điều tiết nước và xả lũ hồ chứa.

Ngoài ra, ĐHĐ còn xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa chủ đập và địa phương trong phòng chống lụt bão và tổ chức diễn tập theo phương án đã được phê duyệt. Cụ thể, như Quy chế phối hợp số 5846 ngày 23/9/2016 giữa Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Lâm Đồng và ĐHĐ về vận hành hồ Đơn Dương trong mùa lũ, mùa cạn hàng năm; Quy chế phối hợp số 01 ngày 25/12/2012 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Ninh Thuận và ĐHĐ về việc điều tiết nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước hạ du nhà máy thủy điện Đa Nhim; Quy chế phối hợp số 461 ngày 22/7/2014 giữa Công ty và Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ trong mùa mưa lũ hàng năm; Quy chế phối hợp số 02 ngày 16/5/2018 giữa ĐHĐ và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận hàng năm. Hay Cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai.

“Vào đầu tháng 7/2018, Công ty đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện: Đơn Dương, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh kiểm tra thực địa tình trạng dòng chảy sông Đa Nhim, Đa Mi và La Ngà. Công ty tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCTT & TKCN địa phương để kiểm tra, tuần tra…dòng chảy lũ tự nhiên hạ du đập trước, trong và sau khi xả lũ hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn công trình đầu mối và giảm nhẹ thiên tai do lũ, bão gây ra”, Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc nói.

Phòng điều khiển Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah. Ảnh: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Để đảm bảo an toàn cho các công trình đầu mối và giảm nhẹ thiên tai cho vùng hạ du các nhà máy thủy điện, theo Phó Tổng giám đốc Đỗ Minh Lộc, chính quyền các địa phương vùng hạ du các nhà máy thủy điện và Ban chỉ huy PCTT & TKCN các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các Chủ đập tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho người dân vùng hạ du đập tràn về nguy cơ xả lũ của hồ chứa, khi vận hành phát điện có biện pháp đối phó, phòng ngừa hữu hiệu, tránh nguy cơ xảy ra tai nạn.

Ông Lộc cho biết, tình trạng đào đất, xây dựng nhà ở kiên cố... xâm hại hành lang bảo vệ công trình khu vực công trình Hàm Thuận-Đa Mi vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Do đó, UBND các huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh cần khuyến cáo nhân dân các địa bàn khu vực hạ du không vi phạm. Mặt khác hỗ trợ Công ty trong việc bảo vệ, chống mất cắp thiết bị của các trạm thủy văn trên lưu vực, trạm cảnh báo, bảng chỉ dẫn và tiêu báo lũ hạ du hồ chứa Đơn Dương và Hàm Thuận nhằm phục vụ tốt hơn việc dự báo lũ đến hồ chứa, cảnh báo lũ ở hạ du.

Trong tháng 7 vừa qua, do hoạt động của gió mùa Tây Nam cường độ trung bình đến mạnh kết hợp rìa phía Nam của dải hội tụ nhiệt đới nên trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa nhiều. Riêng trên sông Pô Kô có xuất hiện lũ lớn, đỉnh lũ đạt 586,72m, cao hơn mức báo động III là 0,22m.

Theo Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Kon Tum, trong kế hoạch PCTT & TKCN của tỉnh luôn đề cập đến từng vị trí, công trình trọng điểm, khu vực xung yếu thường xuyên bị ảnh hưởng để từ đó có các giải pháp ứng phó phù hợp như tổ chức di dời dân cư vùng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... kịp thời huy động các lực lượng tại chỗ khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, cơ sở hạ tầng.

Ông Trương Phước Anh, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện theo quy trình lên hồ chứa trên hệ thống sông Ba và hệ thống sông Sê San đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các Chủ hồ thủy lợi và thủy điện đều phải xây dựng quy chế phối hợp trong vận hành xả lũ với các địa bàn khu vực hạ du để chủ động vận hành xả lũ và phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ gây ra.

‘Trong tháng 9 tới, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức diễn tập phương án ứng phó, sơ tán dân vùng hạ du các thủy điện lớn theo các kịch bản trong phương án phòng chống lũ lụt hạ du đập đã được UBND tỉnh phê duyệt”, ông Anh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, việc vận hành, điều tiết hồ chứa có ý nghĩa vô cùng quan trọng bảo đảm an toàn công trình thủy điện và an toàn cho hạ du. Đối với lưu vực sông Srêpôk, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa. Khi có tình huống xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh là người ban hành lệnh vận hành hồ và Công ty là đơn vị thực hiện.

Trước khi bắt đầu chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình, Công ty thông báo ngay và liên tục đến Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, huyện, thị, xã liên quan tình trạng hồ đập, thời điểm tiến hành xả lũ khẩn cấp, lưu lượng vào hồ, tổng lưu lượng xả, mực nước thượng lưu, hạ lưu hồ, tình trạng ngập lụt phía hạ du (mực nước tại Trạm thủy văn Đức Xuyên).

Phòng điều khiển Nhà máy thủy điện Ialy. Ảnh: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Chủ tịch xã Ea R’Bin, huyện Lắk, Đắk Lắk, ông Đặng Xuân Kiên cho biết, hạ lưu của Thủy điện Buôn Tua Srah có khoảng 500ha bị ảnh hưởng trực tiếp khi hồ xả lũ. Trong nhiều năm qua, địa phương đã phối hợp với nhà máy điều tiết nước theo tình hình thủy văn từng năm. Công ty cũng hỗ trợ xã xây dựng 2 cống ngăn ngập, khi nước trong cánh đồng lớn hơn ngoài sông, địa phương liên hệ với nhà máy dừng chạy máy tùy theo yêu cầu thực tế để mở cống, từ đó tránh gây tổn thất hoa màu cho bà con.

Tại hội nghị tuyên truyền với các địa phương về công tác PCTT & TKCN tại hạ lưu các nhà máy thủy điện, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã yêu cầu các địa phương quan tâm tuyên truyền đến nhân dân trong vùng có biện pháp ngăn chặn để tránh tình trạng trẻ em chết đuối nước.

Hiện nay, Đoàn thanh niên Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương và các trường học tổ chức tuyên truyền về phòng tránh đuối nước 3 đợt tại các trường THCS Nguyễn Trường Tộ khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Srêpôk 3, Trường THCS Hùng Vương khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, trường Tiểu học Dray Sáp khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2018, Đoàn thanh niên Công ty đã tổ chức 3 đợt tuyên truyền tại các trường Tiểu học: Phú Thái, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột; Bùi Thị Xuân, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; Bế Văn Đàn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông.

Trong một hội nghị tuyên truyền PCTT & TKCN tại hạ lưu nhà máy thủy điện Buôn tua Srah. Ảnh: Mai Phương/Bnews/TTXVN

Tiếp theo, vào cuối tháng 7 vừa qua, Công ty đã phối hợp với Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Krông Nô thuộc tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị tuyên truyền về cơ chế, phương án phối hợp với địa phương trong điều tiết, xả lũ các hồ chứa thủy điện.

Hội nghị có sự tham dự của địa diện Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, huyện, cấp ủy, chính quyền các xã thuộc các huyện.

Tại hội nghị, Công ty đã phổ biến Phương án phối hợp PCTT & TKCN hồ chứa thủy điện; hệ thống mốc cảnh báo lũ, các trạm cảnh báo lũ và chạy máy; vùng ngập lũ và điểm tránh lũ theo phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập trong tình huống ngập lụt. Mới đây trung tuần tháng 8, Công ty cũng tiếp tục tổ chức Hội nghị tuyên truyền các nội dung này tại các huyện Lắk và Krông Ana thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Chị Trần Thị Huyền trú tại thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, Đắk Nông sang tận thôn Ba, xã Ea R’Bin, huyện Lắk, Đắk Lắk để canh tác tại đây lúa, ngô và hoa màu.

“Cứ từ 8h sáng hàng ngày, bên nhà máy thủy điện đều thông báo trên loa phát thanh cho người dân vùng ngập về tình tình hình xả nước nên mặc dù canh tác với diện tích lớn 1,2ha nhưng khiến tôi yên tâm hơn. Mấy vụ gần đây diện tích gieo trồng của gia đình và các khu vực lân cận đều không bị ngập nên chúng tôi được mùa liên tục. Gia đình có thêm thu nhập, không còn phải lo lắng nữa”, chị Huyền nói.

Có thể nói đến thời điểm này, các Công ty Thủy điện thuộc EVN quản lý đã hoàn tất các công tác chuẩn bị ứng phó trong mùa mưa lũ năm 2018 theo quy định. Thiết bị công trình, hệ thống thủy văn được bảo dưỡng đảm bảo hoạt động tốt; vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng chống lụt bão đầy đủ, sẵn sàng vận hành công trình an toàn và giảm lũ cho vùng hạ du./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục