Thụy Sỹ có nguy cơ thiếu điện và lao động nếu không có thỏa thuận với EU

07:30' - 12/07/2021
BNEWS Thụy Sỹ phụ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU) cả về nguồn lao động ổn định và nguồn cung cấp điện.

Theo ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS Group AG, Thụy Sỹ phụ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU) cả về nguồn lao động ổn định và nguồn cung cấp điện, nên việc ngừng đàm phán về một thỏa thuận mới giữa hai bên sẽ tạo ra rủi ro cho Thụy Sỹ.

Các nhà kinh tế Daniel Kalt và Alessandro Bee của UBS cho rằng Thụy Sỹ đối mặt với sự khan hiếm trên thị trường lao động. Nước này có nguy cơ thiếu hụt gần nửa triệu việc làm vào năm 2040.

Bên cạnh đó, việc Thụy Sỹ quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân và giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng có thể khiến việc nước này gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu.

Ngay cả khi hàng hóa Thụy Sỹ giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường EU trong những thập kỷ tới, EU vẫn sẽ là đối tác thương mại quan trọng của nước này.

Ngược lại, sự phụ thuộc của quốc gia này đối với nguồn cung lao động và năng lượng chính từ EU có thể sẽ tăng lên trong tương lai.

Theo UBS, người lao động từ EU và Anh chiếm gần 60% lao động ở Thụy Sỹ kể từ năm 2010.

Mối quan hệ của Thụy Sỹ với EU đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Bern quyết định rút khỏi đàm phán về dự thảo thỏa thuận khung vào cuối tháng Năm vừa qua.

Chuyên gia châu Âu Gilbert Casasus nhấn mạnh rằng mối quan hệ của Thụy Sỹ với EU đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1992 khi mới đây Chính phủ Thụy Sỹ quyết định mua 36 máy bay chiến đấu F-35A từ Mỹ thay vì từ châu Âu, sau sự sụp đổ của đàm phán thỏa thuận khung với EU.

Thụy Sỹ và EU bắt đầu đàm phán về dự thảo thỏa thuận khung hợp tác từ năm 2018.

Bế tắc chủ yếu nằm ở chỗ EU không đồng ý loại bỏ một số yêu cầu về trợ cấp nhà nước, bảo hiểm, và tự do đi lại trong nội dung hiệp định.

Dư luận Thụy Sỹ cho rằng nội dung dự thảo đã vi phạm chủ quyền quốc gia một cách "không thể chấp nhận được".

Về phần mình, EU muốn có một hiệp định bao quát để ràng buộc Thụy Sỹ chặt chẽ hơn với các quy định của thị trường chung, trong đó có cả tự do đi lại.

EU cũng mong muốn có một hiệp định nêu rõ các cách thức giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.

Diễn biến trên có thể khiến quan hệ EU - Thụy Sỹ trở nên căng thẳng, trong bối cảnh EU chiếm hơn 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của Thụy Sỹ. Các quốc gia láng giềng của Thụy Sỹ đều là thành viên EU.

Nếu thỏa thuận khung đổ vỡ, điều này có thể cản trở Thụy Sỹ tiếp cận thị trường chung EU trong tương lai, đặc biệt khi mà các hiệp định và thỏa thuận hiện nay giữa hai nước hết hiệu lực.

Các bước phát triển chính của mối quan hệ giữa Thụy Sỹ và EU:

- 1972: Ký kết Hiệp định thương mại tự do EU – Thụy Sỹ

- 1992: Thụy Sỹ nộp đơn xin gia nhập EU

- 1992: Cử tri Thụy Sỹ bác bỏ việc gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu – EEA

(gồm các nước thành viên EU và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu - EFTA)

- 1999: Thụy Sỹ và EU ký gói thỏa thuận song phương I

- 2004: Thụy Sỹ và EU ký gói thỏa thuận song phương II

- 2013: Chính phủ Thụy Sỹ bắt đầu thảo luận với EU về thỏa thuận khung

- 2014: Cử tri Thụy Sỹ ủng hộ sáng kiến hạn chế nhập cư từ EU

- 2016: Quốc hội Thụy Sỹ đồng ý rút hồ sơ xin gia nhập EU

- 2020: Cử tri Thụy Sỹ bác bỏ sáng kiến chấm dứt việc di chuyển tự do thể nhân với EU

- 2021: Đình trệ trong việc ký kết thỏa thuận khung Thụy Sỹ và EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục