Tiềm năng hợp tác liên minh Á-Âu và EU

05:30' - 31/12/2017
BNEWS Việc hình thành hành lang vận tải xuyên lục địa là một nhiệm vụ chiến lược đối với nhiều trung tâm quyền lực của lục địa Á-Âu gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran.

Đây là nhận định được đăng trên trang mạng Chuyên gia Á-Âu (Nga) mới đây. Các nước trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đang xây dựng một trong những hệ thống vận tải lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là cần phải liên kết chiến lược phát triển vận tải của các nước thành viên liên minh và điều phối nỗ lực của các quốc gia này.

Nếu không có sự liên kết và kết nối hạ tầng giao thông, EAEU có thể thua trong cuộc đua phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Ngược lại, nếu đảm bảo khả năng phát triển, liên minh sẽ có cơ hội xây dựng một hệ thống thành công nhất trong hành lang xuyên lục địa Á-Âu.

“Đối tác phương Đông”

Ngày 25/11, EU đã tổ chức hội nghị cấp cao mang tên “Đối tác phương Đông” tại thủ đô Brussels (Bỉ). Thoả thuận về mở rộng tuyến đường giao thông vận tải xuyên châu Âu giữa EU với các quốc gia “Đối tác phương Đông” đã được ký kết, và kết luận của hội nghị cũng nêu rõ mục đích của việc xây dựng mạng lưới giao thông này là xem xét thực hiện kế hoạch hành động đầu tư dài hạn đến năm 2030. Tuy nhiên, tổng đầu tư và lịch trình vẫn chưa được công bố cụ thể.

Về mặt lý thuyết, kết quả trên hứa hẹn những lợi ích gắn liền với việc hiện đại hoá các hành lang giao thông và vận tải trong khu vực. Hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng được kỳ vọng là có khả năng thúc đẩy các đối tác đi đến đối thoại.

Bối cảnh hiện nay càng khiến xu thế này được nhiều người ủng hộ hơn. Tình hình quan hệ giữa Nga, quốc gia đóng vai trò then chốt trong EAEU, và EU hiện nay không mấy thuận lợi. Hai bên đang đứng trước nhu cầu thiết yếu trong việc hóa giải căng thẳng và chấm dứt thế đối đầu.

EAEU và EU khó có thể tiến tới ký kết những thỏa thuận kinh tế thương mại bổ sung bởi hai bên chưa thiết lập cơ chế đối thoại trực tiếp. Cùng với đó, sự phát triển của các dự án cơ sở hạ tầng và việc mở rộng thị trường các dịch vụ vận tải rất có lợi cho việc bình thường hoá mối quan hệ giữa EU và EAEU.

Cơ hội hợp tác

Hiện công tác xây dựng hành lang vận tải quốc tế mới và phát triển các hành lang vận tải sẵn có đang diễn ra ở tất cả các tổ chức hội nhập khu vực. Nhiều tuyến đường và dự án vận tải quốc tế tại EAEU và EU có nhiều phần trùng lặp.

Điều quan trọng khi phát triển các dự án giao thông vận tải theo giới phân tích là phải tính đến động lực sản xuất đang dịch chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi EU vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn trên thế giới.

Các quốc gia EAEU đang rất quan tâm tới việc kết nối hành lang vận tải quốc tế của mình với hành lang Trung-Đông Âu số 2 và số 9 và với hành lang Á-Âu “Đông-Tây” và “Bắc-Nam”.

Hành lang vận tải quốc tế “Đông-Tây” xuất phát từ cảng Nakhodka và Vladivostok, theo tuyến đường sắt xuyên Siberia đến Moskva, và sau đó kết nối với hành lang vận tải Trung-Đông Âu số 2 để đi qua Minsk và Warsaw và hướng tới Berlin.

Hành lang vận tải quốc tế “Bắc-Nam” bắt nguồn từ Helsinki và kết nối với hành lang giao thông Trung-Đông Âu số 9 để đi qua cảng St-Peterburg và vùng Leningrad đến Astrakhan, sau đó đi qua lãnh thổ Iran để đi vào cảng Bandar Abbas đến bờ biển vịnh Persic và hướng đến Ấn Độ.

Ý nghĩa cơ bản của hành lang này là tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hoá giữa vùng Trung Đông và Baltic. Từ vịnh Persic, Ấn Độ, Pakistan, hàng hoá sẽ đi qua các cảng của Nga và các tuyến đường thuỷ nội địa Tây Bắc và tiếp tục đi đến bất cứ quốc gia nào của châu Âu.

Vị trí địa lý của EAEU có tiềm năng vận tải đáng kể trong hệ thống hàng lang vận tải quốc tế. Rất tiếc là hiện tiềm năng này còn chưa được khai thác một cách đầy đủ, mà trước hết là do sự phát triển không chưa đủ của hậu cần và thiếu đi chính sách vận tải thống nhất hoàn chỉnh. Trong khi đó, EU lại đang nắm giữ một trong những hệ thống vận tải khu vực phát triển nhất trên thế giới.

Khi xét tới sự hội nhập với EU, không thể không đề cập đến hình thức sự phát triển của sự hội nhập đó, ví dụ như sự hợp tác với các quốc gia thuộc các hiệp hội khu vực khác, bao gồm việc thông qua dự án “Đối tác phương Đông”.

Đây sẽ là bước bổ sung cho con đường hội nhập sâu rộng hơn trong không gian kinh tế-xã hội châu Âu và các quy định của quá trình vận tải. Các lợi ích khách quan từ sự phát triển kinh tế đòi hỏi EU phải xây dựng quan hệ với các quốc gia phía Đông, nghĩa là cần đến các khoản đầu tư chung vào cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục