Tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo của Indonesia

06:30' - 19/09/2017
BNEWS Mặc dù nhiều quốc gia đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, Indonesia vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển quốc gia.
Indonesia vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Reuters

Xung quanh vấn đề này, báo Jakarta Globe số ra mới đây có đăng bài phân tích của đồng tác giả Tri Harso Karyono và Tasya Nabila. Theo bài viết, cuộc sống của con người trên Trái đất đang bị đe dọa bởi hai điều, đó là lượng khí CO2 phát thải lớn và việc tiêu thụ nhiều các nguồn tài nguyên đất.

Sự phát thải khí CO2 lớn gây ra hiện tượng "hiệu ứng nhà kính", làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Trước khi diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp, khi nhiên liệu hóa thạch dựa trên carbon bắt đầu được tiêu thụ trên quy mô lớn, mức khí CO2 vào khoảng 280 ppm (một phần triệu).

Năm 2013, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) báo cáo rằng mức CO2 trong bầu khí quyển đạt tới mức 400 ppm. Đến năm 2015, Cơ quan Khí tượng học của Anh đã tuyên bố rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1 độ C so với con số ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Một số báo cáo cho biết sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không nên vượt quá 20 độ C vì nó "không an toàn" và sẽ gây ra sự nguy hiểm đối với Trái đất. Do đó, mức CO2 gia tăng trong khí quyển sẽ gây thảm họa đối với cuộc sống của toàn thể nhân loại.

Mặt khác, mối đe dọa tiếp theo đối với con người liên quan đến hệ sinh thái (EF). Sự tiêu thụ của con người đối với các nguồn tài nguyên Trái đất có liên quan đến giá trị EF. Việc tiêu thụ nhiều hơn sẽ làm tăng mức độ rủi ro về EF và đe dọa con người vì nguồn tài nguyên của Trái đất có hạn. Trong trường hợp này, người ta không thể sống sót vì họ không thể tự nuôi sống mình.

Là một trong những nước đang phát triển, Indonesia hiện đang phải vật lộn để phát triển đất nước. Sự phát triển của đất nước này vẫn còn kém xa so với một số quốc gia và đặc khu công nghiệp mới nổi như Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore và thậm chí cả Malaysia cũng như Trung Quốc, chẳng hạn như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn và Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Indonesia cũng thấp hơn các quốc gia đó.

Sự phát triển của quốc gia, được đo bằng mức GDP và HDI, có xu hướng liên quan đến lượng phát thải CO2 của quốc gia đó. Ngày càng có nhiều nước được xem là phát triển với GDP hoặc HDI cao hơn. Tuy nhiên, họ cũng sẽ tạo ra lượng khí thải CO2 cao hơn.

Qua số liệu phát triển của hơn 100 quốc gia trên thế giới với các dữ liệu có sẵn về GDP, HDI và việc phát thải khí CO2, người ta nhận thấy rằng những con số này có mối tương quan với nhau. Sự gia tăng GDP hoặc HDI sẽ làm tăng phát thải CO2 của quốc gia đó.

Nói một cách khác, sự phát triển của một quốc gia sẽ làm tăng phát thải CO2 của nước đó và điều này sẽ đe dọa tính bền vững của Trái đất khi lượng khí CO2 phát ra, gây ra hiện tượng Trái đất nóng lên.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng CO2 phát ra từ bất kỳ máy phát điện nào phụ thuộc vào loại năng lượng mà máy phát điện sử dụng. Năng lượng tái tạo có xu hướng phát ra một lượng rất nhỏ khí CO2 để tạo ra điện so với năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

Tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo của Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Để giảm thiểu phát thải CO2, con người cần phải nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn so với nhiên liệu hóa thạch trong việc sản xuất điện.

Trong tương lai gần, Thụy Điển sẽ là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng tất cả các nguồn năng lượng tái tạo ở nước này. Hiện nay, Cộng hòa Ireland đã có toàn bộ điện năng từ năng lượng tái tạo, chủ yếu từ địa nhiệt và thủy điện.

Các quốc gia như Đan Mạch, Nicaragua, Scotland, Na Uy, Paraguay và Đức dự kiến sẽ đạt được 90% lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo.

Với mức dân số nhỏ và nhiên liệu hóa thạch khá phong phú, New Zealand cũng đã tiêu thụ 40% năng lượng từ các nguồn tái tạo, trong đó khoảng 23% từ địa nhiệt. Đảo quốc Kiwi hiện đang sản xuất khoảng 80% điện năng từ năng lượng tái tạo và dự kiến sẽ đạt 90% vào năm 2025.

Sự đa dạng hóa nguồn năng lượng được sử dụng trong nước từ năng lượng hóa thạch để tái tạo là nỗ lực nhằm giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu. Nồng độ CO2 cao trong bầu khí quyển đã gây ra sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Điều này có thể giảm bằng cách đa dạng hóa nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Mặc dù nhiều quốc gia đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu phát thải CO2, Indonesia vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển quốc gia.

Từ năm 2004, Indonesia đã trở thành nước nhập khẩu dầu ròng khi sản lượng dầu của nước này giảm và nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng tăng cao, song quốc gia này vẫn chưa chú ý đến nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và vẫn đang cố gắng khai thác những thùng dầu còn lại.

Với hơn 120 núi lửa hiện đang hoạt động, Indonesia có tiềm năng năng lượng địa nhiệt lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Indonesia vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch.

Chỉ có khoảng 5% tổng tiềm năng của năng lượng tái tạo hiện đang được sử dụng, trong khi 95% vẫn được cung cấp bởi nhiên liệu hóa thạch, trong đó 47% từ dầu mỏ, 24% từ khí đốt và 24% từ than đá. 

Chính phủ Indonesia chưa nhận thấy mối đe dọa về carbon cũng như tiềm năng dồi dào của các nguồn năng lượng tái tạo có thể làm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của đất nước.

Việc Indonesia hồi năm ngoái bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Năng lượng là một chuyên gia về khoan dầu chứ không phải về năng lượng tái tạo đã cho thấy chính phủ dường như vẫn ưu tiên sử dụng năng lượng hóa thạch chứ không phải năng lượng tái tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục