Tiềm năng phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Tiền

22:01' - 28/01/2017
BNEWS Thành phố Mỹ Tho phấn đấu huy động khoảng 9.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2016–2020 để đầu tư thực hiện khoảng 50 công trình trọng điểm như Khu đô thị mới phường 10, khu dân cư dọc sông Tiền…
Thành phố Mỹ Tho. Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang là thành phố nằm ven bờ sông Tiền lộng gió. Thành phố có vị trí thuận lợi về giao thương cả đường thủy lẫn đường bộ, trên bến dưới thuyền, đồng thời án ngữ cửa ngõ ra biển Đông của khu vực sông Tiền. Những năm gần đây, với việc đầu tư kiện toàn mạng lưới giao thông huyết mạch cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với mạng lưới giao thông của cả nước tạo thêm động lực cho thành phố. Đặc biệt, nằm ở vị trí đầu mối các tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, Quốc lộ 1, đường cao tốc Trung Lương - Tp Hồ Chí Minh, rồi Trung Lương - Mỹ Thuận,… Mỹ Tho đang có nhiều lợi thế phát triển vượt bậc. 

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, Mỹ Tho xác định cơ cấu kinh tế: công nghiệp - thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Trong công nghiệp, chú trọng phát triển theo hướng bền vững, phát huy hiệu quả các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút nhà đầu tư. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ với lộ trình hợp lý, bền vững, thành phố Mỹ Tho coi trọng đầu tư phát triển mạng lưới chợ, siêu thị mới đồng thời cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ hiện hữu đã có từ lâu đời. 

Một số công trình chợ, trung tâm thương mại đã đầu tư, hoàn thiện đưa vào sử dụng đang phát huy tốt vai trò đối với đời sống kinh tế - xã hội. Thời gian tới, thành phố Mỹ Tho tiếp tục mời gọi đầu tư vào các dự án trong khuôn khổ Quy hoạch và Đề án phát triển hệ thống thương mại của tỉnh như khu thương mại Tân Mỹ Chánh, chợ và khu phố chợ phường 6, Trung tâm thương mại Mỹ Tho… 

Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Mỹ Tho cho biết, đối với nông nghiệp, thành phố chuyển đổi từ thuần nông sang nền nông nghiệp đô thị phù hợp điều kiện đất hẹp người đông; tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh chóng gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Thành phố cũng đã có 2 đơn vị xã đạt chuẩn về nông thôn mới là Tân Mỹ Chánh và xã Mỹ Phong. Đây là những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phát huy được tiềm năng đất đai, lao động vừa là hạt nhân xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiệu quả với những thương hiệu lớn đã được khẳng định trên thị trường: làng nghề hủ tíu Mỹ Phong, hoa cảnh tết Mỹ Phong và Tân Mỹ Chánh, làng mai kiểng Tân Mỹ Chánh… Nổi bật có nghề trồng và kinh doanh hoa kiểng tết ở các xã vùng ven. Trước đây, nghề trồng hoa Tết chủ yếu trên địa bàn ấp Bình Phong A, xã Tân Mỹ Chánh (cũ) trong phạm vi hạn hẹp. Nay, nông dân chuyển đổi sang trồng hoa tết trên diện rộng ở hầu khắp các xã ven mà trọng điểm là xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, phường 9… 

Nhờ vào những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như các cấp, các ngành với những giải pháp đồng bộ, kinh tế thành phố Mỹ Tho trong những năm qua giữ mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng đạt mức bình quân 15,5%/ năm. Giai đoạn 2016 – 2020 thành phố Mỹ Tho phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 12% đến 12,5%/năm. Năm 2020, thành phố Mỹ Tho nâng thu nhập bình quân đầu người lên mức 208 triệu đồng/năm và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,45%. 

Phát triển kinh tế gắn liền với kiện toàn kiến thiết hạ tầng, tập trung nguồn vốn đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như tầm vóc Đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Giai đoạn 2016 – 2020, thành phố Mỹ Tho phấn đấu huy động khoảng 9.300 tỷ đồng đầu tư thực hiện khoảng 50 công trình trọng điểm như: Khu đô thị mới phường 10, khu dân cư dọc sông Tiền, các công trình trong khuôn khổ dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho, dự án kè sông Bảo Định, Trung tâm thương mại dịch vụ đường Lê Văn Phẩm, công viên Tết Mậu Thân… 

Một số công trình - dự án trọng điểm đã và đang được thực hiện đáp ứng mong mỏi của các cấp, các ngành và nhân dân. Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các công trình còn kết nối giữa cầu Rạch Miễu với khu đô thị trung tâm tỉnh, khu vực Giếng Nước và khu dân cư dọc sông Tiền… Tất cả, tạo nên một phần quần thể kiến trúc quan trọng của đô thị Mỹ Tho. 

Nếu tính từ khi “Mỹ Tho Đại phố” hình thành và phát triển, đến năm Đinh Dậu 2017, tuổi đời thành phố Mỹ Tho ngót 338 năm (1679- 2017). Từ chỉ chừng hơn trăm căn phố vựa hàng hóa nằm dọc theo hai con đường nay là Nguyễn An Ninh và Nguyễn Huỳnh Đức của “Mỹ Tho Đại phố” lúc khởi thủy, thành phố mở rộng, lớn mạnh và phát triển không ngừng qua ngần ấy năm. 

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, Mỹ Tho phấn đấu trong tương lai, không chỉ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh mà còn vươn lên, xứng tầm đô thị hạt nhân cực phát triển phía Tây Nam Tp. Hồ Chí Minh, đô thị trung tâm tiểu vùng phía Bắc Đồng bằng sông Cửu Long./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục