BNEWS
Giới phân tích cho rằng đã đến thời của hàng không quốc tế, triển vọng ngành hàng không sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khách quốc tế.
Theo CTCP Chứng khoán VNDIRECT, hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Hầu hết các quốc gia đã dỡ bỏ hạn chế cho du khách và điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu du lịch quốc tế. Sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý III/2022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch.
Trong kịch bản cơ sở, Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ quý II/2023. Sản lượng khách quốc tế có thể phục hồi về mức 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023 giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Có độ tương quan cao với hàng không quốc tế, bán lẻ hàng không sẽ là ngành hưởng lợi nhất khi sản lượng khách quốc tế phục hồi - VNDIRECT nhận định.
Với cảng hàng không, tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng có thể bị thu hẹp trong năm 2024 do công suất bị hạn chế. Triển vọng tăng trưởng của các hãng hàng không bị hạn chế bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỷ giá và lãi suất tăng. Tuy nhiên Chứng khoán VNDIRECT vẫn nghiêng về mô hình hàng không giá rẻ hơn hàng không truyền thống do ít bị biến động trong môi trường tài chính không ổn định cùng chi phí nhiên liệu cao.
Chuyên gia từ VNDIRECT đã đưa ra dự báo về sự phục hồi của các thị trường hàng không lớn của Việt Nam. Cùng với chính sách “zero-COVID”, Trung Quốc đã hạn chế đi và đến khỏi quốc gia kể từ quý I/2020. Chính phủ Trung Quốc mới đây cho biết sẽ duy trì chính sách "zero-COVID", với việc phong toả, cách ly và xét nghiệm, ngay cả khi số ca mắc là nhỏ nhất.
Theo nhà kinh tế trưởng tại Trung Quốc của ING Wholesale Banking, Iris Pang, vẫn có hy vọng Trung Quốc có thể nới lỏng các hạn chế trong những tháng tới. Các sự kiện lớn như Hội chợ Xuất-Nhập khẩu Quốc tế tại Thượng Hải được xem là cách để Chính phủ nước này đánh giá liệu số ca mắc và tử vong có tăng mạnh hay không.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, trong trường hợp Trung Quốc mở cửa trở lại, ngành hàng không sẽ được hưởng lợi do các đường bay quốc tế phục hồi bởi Trung Quốc là thị trường hàng không lớn nhất đến Việt Nam. BSC thống kê, sản lượng khách du kịch đến từ Trung Quốc hiện chiếm 32% tổng sản lượng khách quốc tế trước dịch.
Tiếp đến, Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường hàng không lớn của Việt Nam. Từ tháng 10/2022, nước này đã gỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 để nhập cảnh, đồng nghĩa với việc tất cả các yêu cầu liên quan đến đại dịch khi nhập cảnh được dỡ bỏ. Điều này được cho là sẽ thúc đẩy giao thông hàng không giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian tới và sẽ giúp lưu lượng khách giữa 2 quốc gia phục hồi về mức trước dịch trong quý II/2023.
Các đường bay quốc tế chính của Việt Nam trong Đông Nam Á gồm Singapore, Thái Lan và Malaysia đều đã được mở lại hoàn toàn và đang triển khai các hoạt động du lịch song phương.
Châu Âu đã dỡ bỏ mọi hạn chế liên quan đến COVID-19 từ quý II/2022. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN), CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cũng đã triển khai nhiều đường bay mới đến châu Âu, giúp tăng tốc độ phục hồi lượng khách đến từ châu Âu.
Từ 11/10/2022, du khách đến Nhật Bản có thể tự đi mà không cần thông qua đại lý tour nào. Khách du lịch Việt Nam chỉ cần hộ chiếu vaccine để nhập cảnh vào Nhật Bản. Các chuyên gia phân tích từ VNDIRECT cho rằng các điều kiện về COVID-19 khi đến Nhật Bản sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn trong thời gian tới và sản lượng khách quốc tế từ Nhật Bản sẽ phục hồi mức trước dịch vào quý II/2023.
Từ 13/10/2022, Đài Loan (Trung Quốc) khôi phục chính sách visa như trước dịch, tuy nhiên, du khách đến Đài Loan vẫn cần xét nghiệm âm tính và mua bảo hiểm y tế. Dù vậy, lượng khách quốc tế giữa Đài Loan và Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng phục hồi.
Chuyên gia từ VNDIRECT nhận định, cũng như châu Âu, lượng khách quốc tế giữa Mỹ và Việt Nam sẽ phục hồi về trước dịch trong quý II/2023. Bên cạnh đó, từ 25/10/2022, Việt Nam sẽ nối lại đường bay giữa Nga và Nha Trang vốn đã bị dừng từ tháng 3/2022 do căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Sản lượng khách quốc tế từ quốc gia này sẽ phục hồi về mức trước dịch trong quý III/2023.
Ấn Độ được coi là thị trường mới đầy tiềm năng cho du lịch Việt Nam. CTCP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán: VJC), Vietnam Airlines hay các hãng bay như IndiGo và Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác những chặng mới giữa 2 quốc gia.
Cụ thể,
Vietjet đã được cấp phép khai thác hơn 20 chặng bay từ Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đến các địa điểm ở Ấn Độ như Bangalore, Hyderabad , Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya cũng như tăng tần suất các chuyến bay đến Delhi và Mumbai từ tháng 7/2022. Các chuyên gia cho rằng, sản lượng khách quốc tế của chặng này sẽ đạt 5% tổng sản lượng khách trước dịch trong quý II/2023.
Mặc dù hàng không Việt Nam có cơ hội lớn để phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn còn ba rủi ro lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành.
Trong bối cảnh thị trường dầu thô vốn đã thắt chặt trên toàn cầu, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng này, thúc đẩy giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.
Hiện tại, có nhiều yếu tố khó lường có thể khiến giá dầu vẫn duy trì ở mức cao. Giá dầu cao hơn dự kiến dẫn đến gia tăng chi phí hoạt động của các hãng hàng không, điều này có thể nâng giá vé và giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam. Chừng nào Trung Quốc còn tuân theo chiến lược này, du lịch song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc khó có thể phục hồi về mức trước đại dịch.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và mở rộng đội bay của các hãng hàng không hiện tại, tỷ giá USD/VND tăng và lãi suất USD tăng cũng có thể ảnh hưởng đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không bằng USD trong các giai đoạn tới; trong đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) dự kiến vay 2,5 tỷ USD cho siêu dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Doanh nghiệp dự kiến giải ngân lần lượt 0,37 tỷ USD, 0,87 tỷ USD và 1,26 tỷ USD trong 3 năm 2022, 2023 và 2024.
Thực tế, dù có doanh thu tăng mạnh, nhưng doanh nghiệp hàng không vẫn lỗ nặng do chi phí tăng cao. Thậm chí có doanh nghiệp lỗ tỷ giá tới hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể kể đến trường hợp của
Vietnam Airlines. Quý III/2022, doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt 21.156 tỷ đồng, tăng gần 350% so với cùng kỳ năm trước và gần bằng mức trước dịch. Dù biên lợi gộp chỉ đạt 0,8%, nhưng đây là quý đầu tiên kể từ đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lãi gộp trở lại với 165 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, việc đồng USD lên giá vẫn khiến Vietnam Airlines lỗ tỷ giá gần 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó là sự tăng vọt của chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khi hoạt động hàng không hồi phục trở lại. Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ 2.547 tỷ đồng trong quý III/2022.
Đối với Vietjet, hãng hàng không này báo cáo doanh thu thuần đạt 10.256 tỷ đồng trong quý III/2022, cao hơn nhiều so với con số 1.365 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gấp 12,34 lần so với quý III/2021 lên 10.701 tỷ đồng đã khiến hãng bay này ghi nhận lỗ gộp 445,3 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 16% và 137,4% lên 147 tỷ đồng và 134,3 tỷ đồng. Khấu trừ các loại chi phí, Vietjet lỗ quý III/2022 là 767,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái hãng hàng không này lãi 10,34 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành hàng không đã giảm rất mạnh trong thời gian qua. Cuối phiên sáng 9/11, HNV có giá 10.350 đồng/cổ phiếu, giảm gần 55,6% so với chốt phiên giao dịch đầu năm. Tương tự, VJC giảm 20,2%, ACV giảm 15%./.