Tiềm năng sản xuất xe điện của Australia - Bài 1: Quốc gia sản xuất lithium hàng đầu thế giới

06:30' - 15/02/2023
BNEWS Trang mạng abc.net.au của Australia vừa đăng tải bài viết với tiêu đề "Với tư cách là một quốc gia sản xuất lithium hàng đầu thế giới, tại sao Australia lại không sản xuất xe điện?".
Australia có nhiều tiềm năng sản xuất xe điện. Ảnh: Reuters

Đầu những năm 1990, khi ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Australia bị cuốn vào vòng xoáy suy thoái, một mỏ thiếc ở bang Tây Australia đã phát hiện được rất nhiều khoáng sản (có giá trị thấp vào thời điểm đó) là lithium.

Mike King - người quản lý khai thác tại mỏ Greenbushes vào thời điểm đó - nhớ lại: "Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi sở hữu rất nhiều lithium và không có nhiều nhu cầu sử dụng chúng. Chúng tôi có lithium ở khắp mọi nơi. Chúng tôi đã thải nó ra ngoài cùng với quặng cuối (vật chất được thải ra trong quá trình chế biến khoáng sản).

30 năm sau, Australia không còn sản xuất ô tô nữa, song lithium đang được mời chào như là một động lực để hồi sinh ngành công nghiệp ô tô. Giá lithium đã tăng lên gấp nhiều lần và khoáng sản này ở bang Tây Australia đang nhanh chóng được khai thác và vận chuyển ra nước ngoài nhằm phục vụ sản xuất pin sạc – một thành phần không thể thiếu đối với nỗ lực khử carbon của thế giới.

Các loại khoáng sản của Australia có trong hầu hết các loại xe điện (EV) mới trên thế giới. Vì vậy, liệu Australia có nên tự sản xuất xe điện không?

* Liệu Australia có nên chen chân vào hàng ngũ các siêu cường về năng lượng tái tạo?

Đối với những người từng chứng kiến ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Australia dần suy tàn trong nhiều thập kỷ, việc đề xuất khởi động lại ngành công nghiệp này có thể gây ngạc nhiên. Ý tưởng này được tiếp thêm động lực hồi đầu năm ngoái nhờ bài phát biểu vào đêm bầu cử của Công đảng Australia và nhờ một báo cáo do một tổ chức nghiên cứu công bố.

Một báo cáo do Viện nghiên cứu Australia (viện nghiên cứu về chính sách công có ảnh hưởng lớn nhất ở Australia) công bố hồi tháng 2/2022 đã phân tích phương án "xây dựng lại ngành sản xuất ô tô ở Australia". Tiếp theo, vào tháng 5/2022, trong bài phát biểu sau khi thắng cử, lãnh đạo Công đảng ông Anthony Albanese tuyên bố: "Chúng ta có thể trở thành một siêu cường năng lượng tái tạo."

Khoảng 4 tháng sau đó, vào tháng 9/2022, Chủ tịch hội đồng quản trị của hãng xe điện Tesla, bà Robyn Denholm đã công khai ủng hộ ý tưởng này, cho rằng Australia "có thể và nên" sản xuất xe điện do có nguồn cung nguyên liệu kim loại sản xuất pin dồi dào. Vài ngày sau, Bộ trưởng năng lượng Australia Chris Bowen nhận định: "Chúng tôi có thể sản xuất xe điện ở Australia. Không chỉ tôi mà các nhà sản xuất xe điện cũng nghĩ như vậy".

Kế hoạch sản xuất xe điện liên quan đến vấn đề giá trị gia tăng. Australia là quốc gia sản xuất lithium lớn nhất thế giới, nhưng chỉ nhận về một phần rất nhỏ (có thể chỉ bằng 0,5%) giá trị cuối cùng của loại khoáng sản mà mình xuất khẩu. Gần như toàn bộ hàng chục nghìn tấn lithium của Australia được vận chuyển mỗi năm là loại quặng chứa lithium được xử lý sơ bộ có tên là đá Spodumene. Và hầu hết quặng này là đá thải: Chỉ khoảng 6% là lithium.

Peter Newman - Giáo sư chuyên nghiên cứu về phát triển bền vững thuộc Đại học Curtin (Australia) - cho rằng hiện Australia đang đóng vai trò như một mỏ đá khổng lồ trong nền kinh tế năng lượng sạch toàn cầu. Ông cho biết Australia đã và đang khai thác một lượng lớn lithium và chuyển chúng đi khắp nơi, và tất cả những khâu còn lại đều diễn ra ở nước ngoài. Cuối cùng, lithium quay trở lại Australia dưới dạng những chiếc xe điện hoặc pin dự trữ năng lượng trong các hộ gia đình.

Xét về phương án sản xuất xe điện từ trong nước, ô tô đứng đầu trong chuỗi gia tăng giá trị kéo dài, từ khai thác đến chế biến, sau đó là sản xuất pin. Tuy nhiên, tồn tại một hạn chế là chính phủ các nước khác cũng nhìn ra cơ hội này. Họ muốn gia tăng giá trị, sản xuất pin và xe điện để bán ra thế giới.

Shannon O'Rourke, Giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu Future Battery Industries CRC ở bang Tây Australia, cho biết có rất nhiều quốc gia muốn trở thành siêu cường năng lượng xanh. Ông cho rằng: "Chúng ta đang chứng kiến những động thái rất mạnh mẽ của các đồng minh và đối thủ trong việc chiếm lĩnh ngành công nghiệp pin".

Trong những động thái trên có Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ - được thông qua hồi tháng 8/2022 - nhằm cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp năng lượng sạch của nước này. Châu Âu cũng đang xem xét chính sách tương tự.

Australia có thể bị áp đảo vì các nhà máy sản xuất pin và xe điện sẽ được xây dựng ở các nước khác trước khi Australia bắt tay vào làm việc này. Giám đốc điều hành Hội đồng năng lượng sạch của Australia Kane Thornton nhận định: "Mỹ và Australia đang bị kẹt lại trong cuộc chạy đua về năng lượng sạch. Australia đã bị tụt lại phía sau".

* Hướng đến gia tăng giá trị

Ý tưởng của Australia trong việc tăng giá trị chuỗi cung ứng lithium là một ý tưởng mới đáng chú ý. Ý tưởng này có thể bắt nguồn từ năm 2018, thời điểm Australia công bố một báo cáo lớn đầu tiên về sản xuất pin ở trong nước. Báo cáo có tiêu đề "Thung lũng lithium: Xây dựng phương án kim loại cho ngành năng lượng và sản xuất pin ở bang Tây Australia" do sáng kiến phát triển khu vực Regional Development Australia (RDA) của Chính phủ Australia công bố, được xuất phát từ ý tưởng ban đầu của Giáo sư Newman.

Báo cáo trên lập luận rằng Australia sở hữu trữ lượng khổng lồ về lithium và hiện đang xuất hiện nhu cầu ngày càng cao đối với loại kim loại này. Thay vì chỉ vận chuyển đá (quặng chứa lithium) ra nước ngoài, tại sau Australia không sản xuất pin ở trong nước?

Colleen Yates, Giám đốc điều hành Văn phòng RDA tại Perth (bang Tây Australia), cho biết: "Australia gần như là một "bảng tuần hoàn" của các kim loại năng lượng. Chúng ta phải dừng việc nghiền nhỏ những hòn đá to thành hòn đá nhỏ lại và dừng việc vận chuyển chúng ra nước ngoài."

Vào năm sau, tháng 2/2019, Giáo sư Newman, bà Yates và một số người khác đã thành lập một phái đoàn đến Brussels (Bỉ) để truyền bá thông điệp "Australia có lithium". Vào thời điểm đó, Australia là nhà sản xuất kim loại lớn thứ 2 trên thế giới, sau Chile. Nhưng đáng ngạc nhiên là điều này đã không được các nhà hoạch định chính sách châu Âu hoặc các nhà sản xuất pin và ô tô lớn lưu ý.

Giáo sư Newman cho rằng: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rất ít người hiểu về vai trò của Australia  đối với các khoáng chất quan trọng". Còn bà Yates cho biết mọi người đều nghĩ rằng lithium đến từ Trung Quốc. Phái đoàn này đã nói rằng điều mà mọi người không nhận ra là Trung Quốc đang lấy tài nguyên từ Australia và sản xuất chúng ở Trung Quốc.

Bốn năm sau, tình hình đã rất khác. Vây quanh bà Yates, đại diện cho văn phòng của RDA ở Perth là nhiều công ty châu Âu và từ các quốc gia khác đang "tuyệt vọng" trong việc tìm nguồn cung lithium. Theo bà Yates, mặc dù Australia có trữ lượng pin lithium lớn nhưng khó đáp ứng hết các nhu cầu trên. Nguyên nhân chính là do tình trạng "nút thắt cổ chai"trong quá trình xử lý lithium tại chỗ. Trường hợp này cũng là thứ đang cản trở quá trình sản xuất xe điện của Australia.

* Phá vỡ tình trạng "nút thắt cổ chai"

Xe điện được coi là một khối pin khổng lồ đặt trên những chiếc bánh xe. Và để sản xuất pin, bạn cần lithium đã qua xử lý.

Vào tháng 5/2022, nhà máy xử lý lithium hydroxide đầu tiên của Australia đã bắt đầu hoạt động tại Kwinana, gần phía Nam thành phố Perth. Tại đây, quặng chứa lithium được chuyển thành lithium hydroxide, đây là quá trình biến hàng tấn đá thành một lượng nhỏ bột trắng. Một container chứa đầy lithium hydroxide sẽ giúp làm ra hàng nghìn cục pin. Đây được gọi là quá trình xử lý thứ cấp - quá trình chuyển đổi chiếm tới 1/4 giá trị cuối cùng của lithium.

3 trong 4 nhà sản xuất lithium hydroxide lớn nhất thế giới đang thành lập nhà máy ở bang Tây Australia (thường theo hình thức liên doanh). Công ty Tianqi có trụ sở ở Trung Quốc đã đưa vào hoạt động một nhà máy xử lý ở Kwinana, trong khi công ty Albemarle của Mỹ và SQM của Chile đang xây dựng các nhà máy xử lý riêng của mình ở khu vực lân cận.

Tuy nhiên, không chắc là tất cả số lithium hydroxide này đều dùng để phục vụ sản xuất xe điện tại Australia. Theo bà Yates, đơn giản là Australia không có đủ cơ sở xử lý lithium. Đồng thời, lithium đã qua xử lý ở Australia bị ràng buộc bởi các hợp đồng bao tiêu – hợp đồng mua hàng trong tương lai – khi các nhà sản xuất ô tô và pin lâu đời lùng sục khắp thế giới để tìm nguồn cung cấp nguyên liệu.

Chẳng hạn, công ty Tianqi Lithium đã có thỏa thuận bao tiêu với nhà sản xuất pin của Thụy Điển Northolt – công ty đang ký hợp đồng với các hãng xe Volvo, BMW và Volkswagen. Bà Yates cho rằng hiện giờ rất nhiều nơi đang muốn Australia duy trì điều mà nước này vẫn làm, là nghiền những tảng đá lớn thành những tảng đá nhỏ và đưa đi những nơi khác để xử lý.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu Australia vẫn sẽ tiếp tục làm những gì nước này luôn làm? Hay họ sẽ xem xét việc cố gắng đảm bảo những thỏa thuận bao tiêu đó chuyển hướng về sản xuất tại Australia?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục