Tiền Giang: Tạo bứt phá trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

14:34' - 24/06/2022
BNEWS Tiền Giang đưa ra các giải pháp tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững, tạo được bứt phá trong liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ.

Ngày 24/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận 27-KL/TW ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53-NQ/TW.

 

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 53, địa phương xác định mục tiêu kế thừa những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, đưa ra các giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững, tạo được bứt phá trong liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch COVID-19; tập trung phát triển các đô thị trung tâm, thúc đẩy tiến trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân cũng như giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn. 

Tiền Giang quan tâm quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện chuyển đổi số và tiến tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiếp tục thực hiện thắng lợi Kết luận 27, trong đó chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực cán bộ gắn với đạo đức cách mạng và học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác; nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại và quan hệ quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, vị thế của tỉnh được nâng cao, ngày càng rõ nét trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiền Giang đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng kinh tế bình quân từ 7-7,5%/ năm. Năm 2025, tỉnh phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt từ 91,5-93,5 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD. Giai đoạn 2021 -2025, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 77.000 tỷ đồng (năm 2025 đạt 18.700 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 246.600 tỷ đồng, chiếm 36% GRDP…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình cho biết, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 53, thời gian qua, địa phương đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân gắn với thể chế hóa các chủ trương của Nghị quyết thông qua việc ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy; ban hành cơ chế, chính sách của HĐND, UBND...

Đồng thời, chú trọng công tác phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách một cách đồng bộ, hiệu quả; phối hợp với các địa phương trong vùng nhằm đưa Nghị quyết vào đời sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ vậy, địa phương đã đạt những kết quả tích cực làm tiền đề và động lực phát triển giai đoạn 2021 – 2025 như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh giai đoạn 2005 – 2020 đạt bình quân 9%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đúng mục tiêu, định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh các nhiệm kỳ.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 53 trong giai đoạn 2021 – 2025, Tỉnh ủy Tiền Giang nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; có quyết tâm chính trị cao và vận dụng sáng tạo các giải pháp tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Địa phương thể chế hóa kịp thời các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của co sở. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Tỉnh tổ chức thực hiện tập trung, dứt điểm những khâu đột phá, then chốt, trọng điểm trên cơ sở bám sát thực tiễn địa phương, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề ra chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và chính sách phù hợp, sáng tạo; đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao đời sống nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục