Tăng tốc thi công dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo - Tiền Giang

11:57' - 06/06/2022
BNEWS Giai đoạn II, nâng cấp kênh Chợ Gạo sẽ tập trung vào nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam đảm bảo bề rộng lên hơn 50 m, chiều dài 9,85 km; bảo vệ bờ phía bờ Nam chiều dài 9,85 km.

Dự án kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.

Để nâng cao năng lực cho tuyến giao thông này, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành đầu tư giai đoạn I dự án nâng cấp bờ phía Bắc của kênh Chợ Gạo, nay tiếp tục đầu tư nâng cấp giai đoạn II nhằm hoàn chỉnh dự án giúp tàu 2.000 - 3.000 tấn lưu thông thuận tiện trên tuyến.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, kênh Chợ Gạo sau 7 năm được đầu tư và đi vào hoạt động đã khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Nhờ tuyến kênh này mà hàng hóa, nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long đến được với trung tâm kinh tế lớn nhất nước và từ đó đi nhiều nơi cũng như xuất khẩu.

Ở giai đoạn I, kênh đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp III, với bề rộng luồng chạy tàu 30m. Tuy nhiên, lưu lượng và tải trọng phương tiện thủy qua kênh Chợ Gạo gần đây ngày một tăng lên, gây quá tải, ùn tắc và cản trở sự phát triển vận tải thủy khu vực phía Nam.

Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đầu tư nâng cấp kênh giai đoạn II, trị giá hơn 1.300 tỷ đồng.

Theo đó, giai đoạn II sẽ tập trung vào nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam đảm bảo bề rộng lên hơn 50 m, chiều dài 9,85 km; bảo vệ bờ phía bờ Nam chiều dài 9,85 km. Ngoài ra, còn xây dựng hơn 9 km đường nông thôn loại B và 2 cầu bê tông cốt thép…

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải), dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 bao gồm 3 gói thầu xây lắp, gói đầu tiên được khởi công từ cuối năm 2021 và đồng loạt khởi công các hạng mục còn lại vào cuối quý I, đầu quý II/2022.

Phóng viên TTXVN có mặt tại công trường dự án những ngày này đã cảm nhận được sự sôi động của dự án. Tại các gói thầu các nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị để thi công đồng loạt các gói thầu. Cụ thể, dưới kênh việc nạo vét lòng kênh đang được các tàu chuyên dụng thực hiện. Trên bờ, các nhà thầu đang thi công phần đường, phần cầu dọc kênh.

Tại các bãi đúc cấu kiện bê tông phục vụ cho thi công kè bờ kênh đang được các công nhân hối hả thực hiện. Dọc kênh, nhiều nhà dân đã bàn giao mặt bằng để các nhà thầu có công địa thực hiện dự án.

Tuy nhiên, một vài điểm, nhất là khu chợ Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo) vẫn còn khoảng hơn 30 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc thúc đẩy tiến độ và hoàn thành dự án.

Lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy thông tin, sau khi có mặt bằng các nhà thầu đã đẩy mạnh thi công trên toàn tuyến. Đến nay tiến độ giải ngân của dự án đạt 610/858 tỷ đồng kế hoạch vốn đã giao (đạt hơn 71%).

Kế hoạch vốn giao năm nay là 400 tỷ đồng; trong đó có 156 tỷ cho giải phóng mặt bằng và 244 tỷ đồng cho xây lắp, chi phí chung... Hiện đã giải ngân cho việc giải phóng mặt bằng khoảng gần 100 tỷ đồng; xây lắp, chi phí khác... 102 tỷ đồng.

Để công trình đảm bảo hoàn thành toàn bộ giai đoạn II vào năm 2023, lãn đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với UBND tỉnh Tiền Giang về việc tăng cường nhân sự, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành bàn giao cơ bản về mặt bằng trong thời gian tới. Đồng thời đẩy nhanh việc phê duyệt khu tái định cư làm cơ sở cho bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng dự án.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Ban Quản lý các dự án dường thủy cho hay, đến thời điểm này, gói thầu CG2-XL01 đã bàn giao mặt bằng được khoảng 1,52/3,25km (còn vướng 29 hộ dân); gói CG2-XL02 bàn giao mặt bằng khoảng 2,08/3,125km (còn vướng một số hộ dân); gói CG2-XL03 đã bàn giao mặt bằng khoảng 1,06/3,475km (còn vướng 4 hộ dân).

Đại diện Ban Quản lý các dự án đường thủy khẳng định, chúng tôi đang phối hợp chặt với địa phương để xây dựng kế hoạch bàn giao mặt bằng để có công địa thi công của các gói thầu.

Liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án, ông Trịnh Văn Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Chợ Gạo (UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, đơn vị đã và đang phối hợp với các nhà thầu cùng các đơn vị có liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công các dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyền kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 trong thời gian sớm nhất.

Đối với việc di dời công trình điện, di dời đường nước, viễn thông đang được UBND huyện Chợ Gạo chỉ đạo quyết liệt để thực hiện trong thời gian tới.

Ông Trịnh Văn Phong cho hay đến nay, UBND huyện Chợ Gạo đã phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được 9 đợt, tổng số 630 hồ sơ, với số tiền: hơn 447 tỷ đồng. Tổng số kinh phí Ban Quản lý các dự án đường thủy phân bổ cho huyện để giải phóng mặt bằng là hơn 556 tỷ đồng, đến nay đã chi trả cho 595/704 hồ sơ, với tổng số tiền là hơn 413 tỷ đồng.

Kênh Chợ Gạo là con kênh nối liền sông Tiền với sông Vàm Cỏ. Thời gian gần đây, mỗi ngày có gần 2.000 phương tiện thủy lưu thông qua đây, trong khi bề rộng và độ sâu luồng hạn chế.

Do đó, việc sớm hoàn thành dự án nâng cấp giai đoạn 2 có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao năng lực vận tải đường thủy khi phương tiện thủy có trọng tải lớn từ 2.000 - 3.000 tấn có thể lưu thông thuận lợi qua kênh.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tổng chiều dài dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) cần nạo vét, xây bờ kè khoảng 9,85km, với chuẩn luồng đạt tiêu chuẩn kênh cấp II, có độ sâu từ ấm 4,9 -5,1m, bề rộng kênh là 50 m. Dự án cũng sẽ xây dựng đường dân sinh dọc bờ Nam kênh Chợ Gạo có chiều dài 9,72 km và một số công trình phụ trợ.

Tổng mức đầu tư của toàn dự án này là 1.335 tỷ đồng bảo gồm cả chi phí xây lắp và kinh phí giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục