Tiền Giang ứng dụng công nghệ cao trong vụ Thu Đông 2018

14:25' - 10/12/2018
BNEWS Lần đầu tiên trong vụ Thu Đông 2018, Tiền Giang đã trình diễn “Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan tham quan điểm trình diễn. Ảnh: Minh Trí-TTXVN 

Lần đầu tiên trong vụ Thu Đông 2018, Tiền Giang đã trình diễn “Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao” trong khuôn khổ Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025”. 
Địa điểm được chọn trình diễn tại hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (Gò Công Đông) với qui mô 7,5 ha và 12 hộ tham gia đồng thời chọn 1 hộ canh tác 1,1 ha theo phương pháp truyền thống làm đối chứng so sánh kết quả. Diện tích trình diễn chia làm 3 điểm gồm điểm 1 có diện tích 2,2 ha, điểm 2 có diện tích 5 ha và điểm 3 có diện tích 0,3 ha.
Quy trình kỹ thuật áp dụng tập trung vào cơ giới hóa các khâu canh tác, chọn giống chất lượng cao đưa vào sản xuất, gieo mạ khay và cấy bằng máy kết hợp vùi phân bón thông minh (loại phân do doanh nghiệp tham gia trình diễn sản xuất theo đơn đặt hàng cho điểm trình diễn); đồng thời áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến trong quá trình chăm sóc.
Theo bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, mục tiêu điểm trình diễn nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong quá trình sản xuất kết hợp với các biện pháp canh tác tiên tiến như: Chọn giống chất lượng cao, giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón thông minh, áp dụng 1 phải 5 giảm,…nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông hộ.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành hữu quan tham quan điểm trình diễn. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa giúp giảm lượng giống, giảm công lao động, hạn chế sâu bệnh và tăng chất lượng sản phẩm.
Qua đánh giá cuối vụ, mô hình trình diễn đạt kết quả tốt tại điểm trình diễn 1 đạt năng suất 63 tạ/ ha, điểm trình diễn 2 đạt năng suất 62 tạ/ ha và điểm trình diễn 3 đạt năng suất 66 tạ/ ha.
Riêng về giá bán 6.700 đ/kg, cao hơn 200 đ/kg so với giá lúa thu mua từ ruộng đối chứng, về tổng chi phí so sánh giảm khoảng 4 triệu đồng/ ha so với ruộng đối chứng; đồng thời lợi nhuận nông dân thu được 21,66 triệu đồng/ ha đối với điểm trình diễn 1, lợi nhuận thu được trên 20,8 triệu đồng/ ha đối với điểm trình diễn thứ 2 và trên 24 triệu đồng/ ha đối với điểm trình diễn còn lại.
Nhận xét của bà Trần Thanh Phong cho thấy, qua các điểm trình diễn cho thấy việc đưa các tiến bộ kỹ thuật mới, dễ sử dụng vào sản xuất được sự đồng thuận của nông dân.

Sắp tới, cần tiếp tục khảo sát, đúc kết qui trình trên cơ sở phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia cần nghiên cứu đưa ra công thức phân bón phù hợp điều kiện sản xuất địa phương để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế tối ưu trong những vụ sản xuất kế tiếp trước khi nhân rộng ra cộng đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục