Tiền lương thực tế của Nhật Bản ghi nhận chuỗi giảm dài nhất trong hơn 30 năm

07:24' - 10/05/2024
BNEWS Tăng trưởng tiền lương thực tế được coi là yếu tố quan trọng để Nhật Bản vươn lên sau giai đoạn chống giảm phát trong thời gian dài.

Các số liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tiền lương thực tế của nước này trong tháng 3 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu 24 tháng giảm liên tiếp và là chuỗi giảm dài nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 1991.

Tăng trưởng tiền lương thực tế được coi là yếu tố quan trọng để Nhật Bản vươn lên sau giai đoạn chống giảm phát trong thời gian dài. Tuy nhiên, tốc độ tăng lương không theo kịp đà tăng giá, làm giảm sức mua của hộ gia đình, khi giá hàng hóa hằng ngày tiếp tục tăng do chi phí nguyên liệu cao và đồng yen yếu.

Chuỗi giảm mới nhất này đã vượt qua chuỗi giảm được ghi nhận từ tháng 9/2007- tháng 7/2009, giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do sự sụp đổ của công ty chứng khoán Lehman Brothers (Mỹ).

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tiền lương danh nghĩa (tổng thu nhập tiền mặt trung bình hằng tháng của người mỗi lao động bao gồm lương cơ bản và lương làm thêm giờ) tăng 0,6% lên 301.193 yen (1.940 USD), tăng tháng thứ 27 liên tiếp. 

Xét theo ngành, mức lương hằng tháng cho các dịch vụ liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân ghi nhận mức tăng lớn nhất là 5,4%, trong khi khai thác mỏ và ngành khai thác đá giảm mạnh nhất ở mức 11,6%.

Nếu không tính tiền thưởng và các khoản thanh toán đột xuất, mức lương trung bình tăng 1,5% lên 279.234 yen (1.795 USD), trong khi tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp khác giảm 1,5% xuống 19.703 yen (126,7 USD).

Mức lương danh nghĩa trung bình hằng tháng của người lao động toàn thời gian tăng 0,8% lên 386.795 yen (2.486,5 USD), trong khi con số này của lao động bán thời gian tăng 2,5% lên 108.036 yen (694,5 USD).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục