Tiến tới thành lập hội đồng doanh nghiệp tại 7 vùng kinh tế trọng điểm

12:20' - 31/12/2021
BNEWS Với tầm nhìn - sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập, ngang tầm thế giới, VCCI đặt ra 11 chỉ tiêu cần thực hiện trong nhiệm kỳ mới

Với tầm nhìn và sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 31/12 ở Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Quang Vinh cho biết, VCCI cũng đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể để thực hiện các mục tiêu trong nhiệm kỳ mới.

Theo đó, VCCI sẽ tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố. Song song đó, phấn đấu thu hút 5.000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), tập trung vào các ngành da giày, túi xách, thủy hải sản.

VCCI cũng sẽ xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index); thúc đẩy bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng và triển khai hiệu quả từ 5 – 10 chương trình, dự án, nhiệm vụ ở quy mô quốc gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như; đào tạo CEO, tái cấu trúc, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị,…

Mỗi năm, VCCI sẽ tổ chức ít nhất 20 chương trình, sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế; phấn đấu tăng từ 10-15% số lượng hội viên chính thức và thu hút 40% các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia là hội viên tập thể của VCCI.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành hệ giá trị kinh doanh Việt Nam. VCCI tiến tới thành lập các hội đồng doanh nghiệp theo khu vực (vùng) tại 7 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước; hỗ trợ vận động thành lập các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thành phố, phấn đấu đạt đủ 63/63 tỉnh, thành phố và thực hiện tốt vai trò đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và trong các cơ chế hợp tác đa phương như: WTO, APEC, ASEAN, GMS, ACMECS, PECC, ICC, CACCI, ASEAN ICC,...

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu đề ra, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Ban chấp hành VCCI trong nhiệm kỳ thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Theo đó, VCCI tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi môi trường kinh doanh; trong đó, chú trọng các giải pháp  nâng cao chất lượng hoạt động, góp ý xây dựng pháp luật, chính sách theo hướng sát với thực tiễn, có lợi cho doanh nghiệp.

Trong quá trình thực thi pháp luật, VCCI thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp; thu hút vốn đầu tư FDI, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy môi trường truyền thông, báo chí hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nâng cao tinh thần kinh doanh.

Cùng đó, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tập trung vào các giải pháp chính như: thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển tăng cường liên kết doanh nghiệp, đồng hành hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Cùng với việc tăng cường hoạt động kết nối hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên, VCCI tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm kết nối hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp; nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực Giới sử dụng lao động.

Ngoài ra, VCCI cũng chú trọng xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức, tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã đề ra. Bên cạnh đó, VCCI hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hợp tác tốt các Hiệp định thương mại tự do; tăng cường bảo vệ doanh nghiệp và hỗ trợ thích ứng trong hội nhập.

Cuối cùng là nhiệm vụ đổi mới tổ chức phương thức hoạt động nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của VCCI, một số giải pháp trọng tâm gồm đổi mới bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đổi mới phương thức cơ chế hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường công tác quản lý phát triển và khai thác hiệu quả các nguồn lực.

Theo ông  Nguyễn Quang Vinh, ba đột phá chiến lược được VCCI tập trung thực hiện đó là: thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động tham gia sâu hơn tích cực hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia, cũng như ở các cấp địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đồng thời phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng chính sách, nhất là các chính sách chuyên ngành.

Bên cạnh đó, tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành thúc đẩy thực hiện các quy ước chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân doanh nghiệp, xây dựng hệ giá trị văn hóa doanh nghiệp, kinh doanh Việt Nam bao gồm các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc và các giá trị chuẩn mực của thế giới, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững vì lợi ích con người cho các thế hệ mai sau. Xây dựng và củng cố niềm tin xã hội đối với doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp tạo nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm và thị trường, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh cũng như của toàn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; khai thác phát huy tiềm năng kinh tế và lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục