Tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ hành lang an toàn lưới điện

17:16' - 10/05/2021
BNEWS Từ đầu năm 2021 đến nay, lưới điện của PTC3 quản lý vận hành không có sự cố nào do nguyên nhân hành lang tuyến gây ra.

Trong những năm gần đây, sự cố do nguyên nhân cháy và do thời tiết mùa khô gây ra trên địa bàn Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý đã giảm rõ rệt. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, lưới điện của PTC3 quản lý vận hành không có sự cố nào do nguyên nhân hành lang tuyến gây ra.

Có được kết quả này, theo ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc PTC3 là thời gian qua việc lắp đặt các Camera giám sát đường dây và trang bị thiết bị bay không lái (UAV) đã mang lại hiệu quả rõ rệt như sớm phát hiện các nguy cơ cháy, các nguy cơ vi phạm hành lang, giảm thời gian công nhân quản lý vận hành phải trực tiếp đi dọc hành lang tuyến ở những khu vực đồi núi cao, khu vực đi qua rừng, khu vực nguyên liệu mía…Vì vậy, trong thời gian tới, PTC3 sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 trong hành lang an toàn lưới điện.

Theo đó, Công ty tiếp tục triển khai việc lắp đặt các camera giám sát đường dây tại các khoảng cột có nguy cơ cháy cao, các khoảng cột có cây cao su, rừng phòng hộ, rừng trồng có cây cao ngoài hành lang, các khoảng cột đi gần, giao chéo với đường cao tốc Nha trang – Phan Thiết – Dầu Giây.

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục trang bị và sử dụng thiết bị bay UAV kiểm tra đường dây như: UAV cho phép kiểm tra đường dây truyền tải điện bằng các hình ảnh có độ nét cao, tiếp cận được các vị trí mà công nhân không thể hoặc khó thực hiện trong điều kiện đường dây đang mang điện.

Thực tế áp dụng trong thời gian qua cho thấy, UAV đặc biệt hiệu quả đối với khu vực núi cao khó khăn, hiểm trở, giúp giảm thời gian kiểm tra, tìm kiếm nhanh điểm sự cố giảm thời gian và sức người trong công tác quản lý vận hành lưới điện.

Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục vệ sinh cách điện hotline nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho các thiết bị cách điện của đường dây và trạm biến áp phấn đấu không cắt điện đường dây, trạm biến áp để vệ sinh cách điện.

PTC3 được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới truyền tải điện quốc gia trên địa bàn 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên với khối lượng quản lý vận hành gồm 5.197,75 km đường dây, trong đó 1.939,54 km đường dây 500kV, 3.258,21 km đường dây 220kV; 20 trạm biến áp, gồm 5 trạm 500kV, 15 trạm 220kV, với tổng dung lượng 11.850 MVA.

Các tuyến đường dây 500 kV và 220 kV nằm dọc các sườn núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Nhiều tuyến đường dây đi qua vùng rừng phòng hộ, rừng nghèo, vùng trồng cây công nghiệp như cao su, keo, bạch đàn, cà phê, hồ tiêu…. và vùng nguyên liêu mía của các nông, lâm trường, các hộ dân canh tác trong và ngoài hành lang tuyến đường dây.

Bên cạnh đó, khu vực Nam miền Trung, Tây Nguyên thời tiết khí hậu phức tạp, các tỉnh Tây Nguyên mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau, còn các tỉnh Duyên hải Nam miền Trung mùa mưa lại diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12, mùa khô từ khoảng tháng 1 đến tháng 7 hàng năm. 

Để chủ động phòng chống cháy mùa khô hành lang tuyến hàng năm, ngay từ tháng 10 của năm trước năm kế hoạch, PTC3 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án chống cháy mùa khô hành lang tuyến cho năm sau nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện, chủ động giảm tối đa nguy cơ cháy, nguy cơ cây cao có khả năng ngã đổ gây sự cố đường dây. 

Bám sát theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (KTTV) nhận định năm 2021 hiện tượng thời tiết Enso đang có xu hướng chuyển dần từ Lanina sang trạng thái trung tính với xác xuất khoảng 70 – 80%, lãnh đạo PTC3 cho biết, năm nay, tình hình nắng nóng ít gay gắt hơn so với mùa khô năm 2020.

Để chủ động trong mọi diễn biến phức tạp của thời tiết năm 2021, ngoài việc triển khai các giải pháp chống cháy hành lang lưới điện truyền tải như năm 2020, PTC3 còn yêu cầu các đơn vị lập lịch tổng hợp chi tiết xử lý từng khoảng cột có nguy cơ cháy theo cấp độ cháy được quy định tại Điều 46 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định về cấp cháy rừng. Bên cạnh đó, có kế hoạch xác định rõ thời gian xử lý xong từng khoảng cột cụ thể hàng tháng trong các tháng mùa khô để tổ chức thực hiện. 

Công ty yêu cầu các truyền tải tổ chức phát quang các cây trong và ngoài hành lang, chủ động khoanh vùng, thu gom và đốt có kiểm soát cây khô, thực bì hoặc thu dọn, cào lằn ranh, kéo ra xa khỏi hành lang tuyến nhằm giảm tối đa nguy cơ cháy phù hợp với thời gian chống cháy của từng cung đoạn.

Trong quá trình phát quang phải xem xét để không “chặt hết” mà chỉ xử lý cây dễ cháy, thực bì khô, các cây cao có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn điện các cây và bụi cây xanh phải xem xét để lại đảm bảo vận hành lưới điện trong môi trường hành lang xanh. 

Cụ thể từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021, Công ty đã xử lý được 1.263 khoảng cột có nguy cơ cháy với diện tích 4.501.271 m2, hiện nay chỉ còn khoảng 23 khoảng cột đi qua vùng nguyên liệu mía người dân chưa thu hoạch (khu vực Truyền tải Điện Phú Yên).

Mặt khác, Công ty tiếp tục trang bị Camera để giám sát chống cháy mía, rừng trồng, rừng phòng hộ ở một số đường dây đi qua vùng nguyên liệu mía và rừng trồng. Tính từ đầu năm 2020 đến tháng 4/2021 trên toàn lưới điện của PTC3 đã lắp đặt thêm được 50 bộ Camera giám sát chống cháy, nâng tổng số bộ Camera giám sát trên đường dây của toàn Công ty là 87 bộ.

Ngoài ra, Công ty còn tiếp tục trang bị các thiết bị bay không người lái (UAV) như Altura zenith ATX8; DIJ Mavic2 zoom trong kiểm tra hành lang tuyến. Hiện nay PTC3 đã được trang bị 1 thiết bị bay Altura zenith ATX8 và tất cả các Truyền tải điện trực thuộc đều được trang bị thiết bị bay DIJ Mavic2 zoom.

Lãnh đạo PTC3 cho biết, để đảm bảo an toàn hành vận hành lưới điện trong mùa khô, các truyền tải điện đã tăng cường kiểm tra, rà soát cây cao ngoài hành lang an toàn lưới điện để kịp thời vận động, đền bù, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, đền bù giải tỏa cây cao ngoài hành lang có nguy cơ gãy đổ vào đường dây bảo vệ an toàn cho đường dây.

Đồng thời báo cáo kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý, ngăn chăn kịp thời các vụ việc vi phạm xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống điện truyền tải.

Cùng với việc thường xuyên kiểm tra hành lang tuyến, thu dọn các vật dụng dây, bạt gần hành lang đường dây có khả năng gây sự cố, các đơn vị truyền tải còn tổ chức tuyên truyền, kiểm tra các nhà dân, cơ sở sản xuất (nhà kín canh tác, vườn ươm, lều quán,…) có chăng bạt, lưới, chăng dây, mái tôn… gần hành lang đường dây để có biện pháp chằng néo chống bay lên đường dây gây sự cố.

Theo PTC3, đặc điểm lưới điện của Công ty quản lý vận hành vào mùa khô rất khắc nghiệt, cách điện bị bám bụi đất Bazan do các phương tiện tham gia giao thông gây lên, bị nhiễm bẩn do khói bụi, hóa chất từ các khu công nghiệp… làm suy giảm cách điện bề mặt của thiết bị, đặc biệt khi thời tiết có sương muối, mưa phùn sẽ gây ra hiện tường phóng điện vầng quang trên bề mặt cách điện, gây tổn thất điện năng và tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố lưới điện.

Vì vậy lực lượng quản lý vận hành phải thường xuyên kiểm tra ngày, đêm bằng các thiết bị đo như: Máy đo corocam, Camera nhiệt vầng quang để kịp thời phát hiện mức độ nhiễm bẩn bề mặt của cách điện thiết bị.

Các đơn vị còn sử dụng thiết bị vệ sinh cách điện hotline bằng nước áp lực cao để vệ sinh cách điện thiết bị. 4 tháng đầu năm nay, Công ty đã vệ sinh hotline được 136 vị trí cách điện trên các đường dây và 893 thiết bị cách điện trong trạm biến áp.

Lãnh đạo Công ty và các đơn vị cũng làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp các tỉnh; Ký cam kết đảm bảo an toàn hành lang lưới điện với các Lâm trường, Nông trường, Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND thị trấn, UBND xã và từng hộ dân sinh sống dọc theo đường dây, các hộ có đất, rẫy, ruộng mía dưới các tuyến đường dây.

Tính đến tháng 4/2021, PTC3 đã ký 11.000 bản cam kết với các hộ dân sinh sống dọc hành lang tuyến; ký 325 bản cam kết, quy chế phối hợp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp với các xã, hạt kiểm lâm, nông trường, lâm trường, chủ rừng. Đồng thời, làm việc với lực lượng PCCC chuyên nghiệp để phối hợp về phòng chống cháy rừng, cháy cây trồng có khả năng gây ra sự cố lưới điện.

Công ty cũng đề nghị UBND các cấp hỗ trợ các đơn vị trong quản lý vận hành lưới điện đối với trường hợp vi phạm như: Người dân tự ý chuyển đổi canh tác qua trồng các loại cây phát triển nhanh như bạch đàn, keo... ngoài gần hành lang tuyến, có nguy cơ ngã đổ vào đường dây và người dân tự ý đốt thực bì gần đường dây dễ gây cháy rừng.

Song song với đó, tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sinh sống gần các tuyến đường dây thực hiện phòng, chống cháy rừng, thực hiện bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục