Tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng kinh phí thực hiện điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc

20:18' - 06/08/2017
BNEWS So với tổng mức kinh phí dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đã tiết kiệm được 22%, tương đương hơn 200 tỷ đồng.
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, đối chiếu giữa bản đồ và thực tế việc sử dụng đất rừng. Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án “Tổng Điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” đã thực hiện với tổng kinh phí 750,95 tỷ đồng. Như vậy, so với tổng mức kinh phí dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đã tiết kiệm được 22%, tương đương hơn 200 tỷ đồng.
Tổng kinh phí được phê duyệt thực hiện “Dự án Tổng Điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” là 960 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 771,02 tỷ gồm: ngân sách Trung ương là 672,08 tỷ đồng, ngân sách địa phương 98,94 tỷ đồng.
Như vậy, ngân sách Trung ương tiết kiệm được 72,3 tỷ so với dự toán, tương đương 16%. Ngân sách địa phương tiết kiệm được 139,45 tỷ, tương đương 27%.
Nhiều địa phương đã tự bảo đảm kinh phí thực hiện kiểm kê rừng (ngân sách Trung ương không hỗ trợ) như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, qua tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016 cho thấy, diện tích rừng tăng 989.607 ha, bình quân 160.000ha/năm. Diện tích rừng ở nhiều vùng sinh thái tăng nhanh như: Đông Bắc tăng 5%, Bắc Trung bộ tăng 3%, Tây Bắc tăng 1,5% và Duyên hải Nam Trung Bộ tăng 5,2%… Đây cũng là những vùng có sự tăng lên cả về diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên.
Diện tích rừng tăng do nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng mạnh do ngành công nghiệp chế biến gỗ đã trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực, phát triển mạnh số lượng các doanh nghiệp chế biến gỗ đã tăng từ 1.200 doanh nghiệp (năm 2000) lên đến 3.500 doanh nghiệp (năm 2015).
Nhiều vùng cây nguyên liệu công nghiệp tập trung (Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ) được hình thành, hiệu quả trồng rừng được cải thiện, người trồng rừng có cơ hội tích lũy tăng thu nhập, nên diện tích rừng tăng nhanh. Ngoài ra, một số diện tích do khoanh nuôi tái sinh tự nhiên đã phục hồi đủ tiêu chí thành rừng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục