Tìm “bà đỡ” cho dự án khởi nghiệp - Bài 2: Mấu chốt là tăng kết nối

11:31' - 10/02/2019
BNEWS Giữa các doanh nghiệp lớn với startup không phải “đối thủ” mà có thể kết nối tạo sự cộng hưởng cùng phát triển.

Cùng nguồn vốn đầu tư, với kinh nghiệm thương trường và thị trường rộng, các doanh nghiệp lớn sẽ là những nhà “dẫn dắt” đắc lực cho các startup trên con đường phát triển.

Giữa các doanh nghiệp lớn với startup không phải “đối thủ”, mà có thể kết nối tạo sự cộng hưởng cùng phát triển.

Tạo kết nối

Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Hiện nay, việc kết nối thị trường vẫn còn rời rạc, chưa thực sự sôi động. Một phần do nhà đầu tư tư nhân chưa được tiếp cận với môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chưa có nhiều doanh nghiệp tiên phong, tổ chức doanh nghiệp dẫn dắt nên việc hình thành các dự án từ các chương trình ươm tạo thiếu sự hỗ trợ nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân.

Do vậy, việc kết nối doanh nghiệp lớn với các startup là cần thiết trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thống kê sơ lược trên thế giới, nguyên nhân dẫn tới thất bại của một doanh nghiệp khởi nghiệp thường do sản phẩm khởi nghiệp không đáp ứng được nhu cầu thị trường (khoảng 42%), không có kế hoạch tài chính phù hợp, dẫn tới thiếu tài chính để phát triển doanh nghiệp (29%), không có đội ngũ phù hợp cho sự phát triển (23%), không có mô hình kinh doanh phù hợp (17%)…

Theo chuyên gia Tony Wheeler, Người sáng lập ImagineX, Cố vấn cấp cao Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), chúng ta hay phỏng đoán rằng, hầu hết các khởi nghiệp đều được những sinh viên trẻ xây dựng nên.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới được xây dựng bởi những người từ 30 – 50 tuổi, và nhà sáng lập thành công nhất là 45 tuổi.

Ở góc độ này, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu chỉ ra nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu là do sự thiếu kinh nghiệm của đội ngũ sáng lập khởi nghiệp.

Khác với nhiều nước, đa phần đội ngũ khởi nghiệp ở Việt Nam là các bạn trẻ, hầu hết mới chỉ có nhiệt huyết, có kiến thức cơ bản về sản phẩm, kinh doanh mà chưa có kinh qua kinh nghiệm thực tế trên thương trường.

Các startup cần tới sự giúp đỡ, hỗ trợ và kết nối với các thành phần khác của hệ sinh thái, trong đó doanh nghiệp lớn là thành phần vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp lớn có thể vừa là nhà đầu tư, nhà cố vấn và là khách hàng của các startup.

Dẫn chứng từ Khu công viên khoa học Turku (Phần Lan), bà Pipa Turvanen, Giám đốc liên lạc Turku Science Park cho biết, vai trò của các công ty lớn là rất cần thiết, nếu không có họ thì các sáng kiến sẽ nông cạn.

Mặt khác, sự hợp tác và đồng sáng tạo với các công ty khởi nghiệp, sinh viên đại học và nhà nghiên cứu có thể mở ra những con đường cho các dòng phát triển sản phẩm mới hoặc thậm chí các mô hình kinh doanh có đóng góp có lợi về chi phí.

Tại Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, để các dự án phát triển, Vườn ươm đã tổ chức các đợt kết nối đầu tư, thương mại hóa giữa các dự án ươm tạo với các công ty lớn như Điện Quang, Hafele, Landmark Holding, Quỹ đầu tư Saigon Silicon City, Quỹ đầu tư VinaCapital Venture.

Từ sự hỗ trợ của Vườn ươm cũng như sự nỗ lực của startup, nhiều Dự án ươm tạo đã hình thành và phát triển mạnh, kết nối được với nhiều doanh nghiệp; trong đó, Công ty cổ phần Cyfeer đã kết nối với các Ban quản lý chung cư để đưa sản phẩm vào quản lý hệ thống chung cư.

Trong năm 2018, CyHome (sản phẩm hệ sinh thái chung cư của Cyfeer) đã phát triển được tới 42 chung cư trên khắp cả nước, phủ được 17.000 căn hộ.

Công ty đã kết nối được với 11 đối tác (vnPay, Payoo, Momo, Btaskee, Jupviec, Điện Quang...) để cung cấp tới cư dân những dịch vụ thiết yếu tại chung cư.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại dịch vụ AgrHub cũng đã triển khai các gói sản phẩm thông minh về nông nghiệp và hiện đang hợp tác triển khai thương mại hóa sản phẩm với các đối tác E-Novate (Nhật Bản), AiPac (Hoa Kỳ), HPGroup (Việt Nam), Eagle (Singapore), HSIA (Việt Nam).

Cách triển khai của Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao cũng một phần theo hướng Công ty Turku Science Park, cơ quan phát triển kinh doanh phi lợi nhuận do thành phố Turku sở hữu.

Nhiệm vụ của Turku Science Park là cho phép hỗ trợ các công ty phát triển, được thực hiện bằng cách tăng cường tương tác, chia sẻ trí thức và niềm tin giữa các bên liên quan từ quan điểm phát triển sáng tạo và kinh doanh.

Theo bà Pipa Turvanen, sẽ rất tốt khi chứng kiến cách các công ty lớn quý trọng những người mới và cộng tác với các đối thủ cạnh tranh khi phương thức tiếp cận hệ thống là con đường phía trước.

Để startup và các công ty lớn hợp tác với nhau là giải pháp tốt nhất để cải thiện năng lực sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ngồi chung thuyền

Các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp nhìn nhận, doanh nghiệp lớn đóng vai trò là nơi hỗ trợ các kinh nghiệm, kiến thức, thông qua các hoạt động tư vấn khởi nghiệp, các nhà cố vấn cho các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối thị trường và cung ứng vốn thiên thần cho các dự án khởi nghiệp.

Cung cấp các dịch vụ, công cụ và hỗ trợ khởi nghiệp trong quá trình xây dựng và vận hành doanh nghiệp phát triển.

Thực tế đầu tư từ các dự án khởi nghiệp, ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc AiPac (Hoa Kỳ) cho biết, doanh nghiệp lớn có thể hợp tác với các công ty khởi nghiệp để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Sự phát triển của công nghệ mới đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới, nâng cao hiệu quả và cung cấp các trải nghiệm mới cho khách hàng, nêu lên được khác biệt với đối thủ cạnh tranh.

Để áp dụng công nghệ nhanh hơn, giới thiệu dịch vụ và hỗ trợ tốt hơn, các doanh nghiệp thường hợp tác với các công ty khởi nghiệp để duy trình lợi thế cạnh tranh.

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu đúc kết sau ba năm gắn kết hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, ông Trần Anh Tuấn cho biết, sự hợp tác đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho doanh nghiệp vì các startup đã giúp Công ty tạo ra bộ giải pháp phù hợp thị trường, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Từ đó, giúp Sao Bắc Đẩu tạo ra được hệ sinh thái lành mạnh, mà nếu chúng tôi đi một mình sẽ mất rất nhiều thời gian để có được bộ giải pháp như hiện tại đang có.

Bằng kinh nghiệm của mình, các doanh nghiệp lớn có thể giúp doanh nghiệp khởi nghiệp các vấn đề cụ thể như lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm, kinh nghiệm thương trường, quản lý nguồn vốn, lập kế hoạch lợi nhuận, nhân sự.

Theo ông Trần Anh Tuấn, đồng hành cùng khởi nghiệp, các doanh nghiệp lớn còn trở thành nhà đầu tư bền vững, khách hàng đưa sản phẩm vào trong chuỗi giải pháp mà doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường. Về tổng thể, có thể nói doanh nghiệp lớn là chỗ dựa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tận dụng và phát triển.

Theo chuyên gia Tony Wheeler, để giúp một khởi nghiệp thành công và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế và phát triển xã cho Tp. Hồ Chí Minh và Việt Nam, những công ty lớn cần phải ngồi trên một con thuyền và đưa ra những gói hỗ trợ.

Đây có thể là hỗ trợ tài chính, đối tác hoặc trở thành khách hàng của các startup, chứ không phải là người cạnh tranh.

Với sự non trẻ tại Việt Nam thời điểm hiện tại, hoạt động đầu tư khởi nghiệp cần sự hỗ trợ của tất cả các thành tố trong hệ sinh thái.

Trong đó, chính các startup và nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn phải có sự giao thoa, thấu hiểu lẫn nhau và trở thành đối tác cùng phát triển các dự án khởi nghiệp thành công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục