Tìm đầu ra cho nông sản: Giải bài toán thị trường

09:48' - 16/05/2017
BNEWS 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp.

Mặc dù là một quốc gia xuất khẩu nông sản đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới, tuy nhiên, cho đến nay, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.

Một địa điểm bán dưa của các bạn trẻ tại 24 Hoàng Văn Thụ, thành phố Nha Trang. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

Bên cạnh đó, điệp khúc "được mùa mất giá - được giá mất mùa" vẫn luôn diễn ra trong suốt thời gian qua. Thậm chí, gần đây liên tục xuất hiện những đợt "giải cứu" nông sản Việt. Làm sao để nông sản có được đầu ra ổn định đang là bài toán hóc búa đặt ra cho các cơ quan quản lý lúc này.

Thực thế, trong hai năm trở lại đây các loại nông sản như: hành tím, dưa hấu, cà chua, chuối... và gần đây nhất là thịt lợn rơi vào tình cảnh phải "giải cứu". Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không thể cứ đi "giải cứu" mãi và các cơ quan quản lý cần phải xem xét, phân tích chính xác nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng trên, có giải pháp giải quyết triệt để, lâu dài.

Câu chuyện "giải cứu" gần đây nhất là giá thịt lợn xuống tới mức thấp kỷ lục (15.000 đồng/kg) khiến người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khốn đốn. Nhiều nơi, các hộ chăn nuôi đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải bán đất, bán trại, "treo chuồng" vì vỡ nợ. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi không còn khả năng chi trả nợ ngân hàng và các đại lý cám đã bị siết đất, siết lợn để trừ nợ.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải khẩn cấp tổ chức một cuộc "giải cứu" thịt lợn nhằm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể chung tay giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.

Bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, cụ thể, đầu vào của người chăn nuôi giảm đáng kể, thức ăn chăn nuôi giảm bình quân 200 đồng/kg. Đặc biệt, thị trường thịt lợn hơi đã có những chuyển biến tích cực, giá tăng trung bình từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; giá thịt lợn giảm từ 10 - 30%... Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế trước mắt nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Theo bà Võ Thị Lý - Phó Phòng chế biến bảo quản nông sản (Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nguyên nhân của tình trạng trên là việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt mục tiêu đề ra.

Người dân mua ủng hộ thịt lợn tại cửa hàng bình ổn giá tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Một số địa phương tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa. Đặc biệt, trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền hiện nay còn yếu...

Bên cạnh đó, chưa có hệ thống thông tin thị trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Đồng thời, năng lực phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng thị trường còn hạn chế, kênh chia sẻ thông tin thị trường đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường chủ yếu mang tính đột xuất, thời điểm, thời vụ khi có yêu cầu, phần lớn tập trung vào thu thập thông tin giá cả hơn là các thông tin phục vụ phân tích, dự báo, chưa có phương án thực hiện dài lâu, có trọng tâm, trọng điểm cho các sản phẩm được xác định là chủ lực. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất chưa xuất phát từ dự báo cung cầu thị trường...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để giải quyết bài toán này, các địa phương cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ về quy hoạch sản xuất mà Bộ đã đề ra theo Đề án tái cơ cấu ngành.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch. Tránh tình trạng, phá vỡ quy hoạch, không kiểm soát được.

"Đặc biệt, đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Các lĩnh vực cần tổ chức theo mô hình hợp tác xã, từ đó điều phối được thị trường. Bởi người nông dân không đủ sức và không có thông tin thị trường. Thông qua các Hợp tác xã này, người dân sẽ có được thông tin về thị trường cần gì, cần bao nhiêu, để từ đó tổ chức sản xuất" Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã ký kết Bản ghi nhớ tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả 6 lĩnh vực: phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu thị trường; trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

Hai bên quản lý thị trường, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với vật tư nông nghiệp và hàng nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; quản lý nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2020 cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ngành.

Trước mắt, Bộ đề xuất tập trung vào 5 mặt hàng có thế mạnh để đầu tư xây dựng thương hiệu trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, không làm dàn trải với hầu hết các mặt hàng, đó là xoài, chè, cá tra, thanh long và cà phê.

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Đây là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp đang hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục